Nhiều phương thức tuyển sinh nhưng thí sinh vẫn chưa rõ về ngành đào tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều điểm mới, nhiều ngành mới
Năm nay, nhiều trường mở rộng đối tượng xét tuyển, áp dụng ở một số phương thức xét tuyển ngành học mới.
Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố tuyển sinh 29 ngành và chuyên ngành cho cơ sở chính tại TP.HCM. Trong số này, có 11 ngành và chuyên ngành mới lần đầu được tuyển sinh trong năm nay. Cụ thể gồm: kinh tế đầu tư, bất động sản, quản trị nhân lực, kinh doanh nông nghiệp, kiểm toán, thương mại điện tử, luật kinh tế, quản lý bệnh viện, ngành kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh, chuyên ngành quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo (thuộc ngành quản trị kinh doanh), chuyên ngành quản trị tín dụng (thuộc ngành tài chính - ngân hàng).
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh cho biết: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH của trường năm là 6.500 chỉ tiêu, với 42 ngành; trong đó có thêm 2 ngành mới (quản lý khai thác hạ tầng giao thông và ngành thương mại điện tử - Chương trình chất lượng cao).Thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng (gấp đôi so với năm ngoái). Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nét mới trong năm nay, nhà trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hoàn toàn bằng hình thức online. Đây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng hình thức này.
PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Ngoài 9 ngành đang đào tạo, năm nay Học viện dự kiến mở thêm 2 ngành mới là: Công nghệ thông tin và Xã hội học. Đặc biệt, trên nền tảng hợp tác trao đổi sinh viên với Nga, Đài Loan, Hàn Quốc…, Học viện mở thêm chương trình đào tạo cử nhân hệ chính quy chất lượng cao và liên kết đào tạo quốc tế với ngành Quản trị kinh doanh. Học viện Phụ nữ Việt Nam áp dụng 2 phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng với thí sinh trúng tuyển vào Học viện có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương; Xét tuyển với thí sinh trúng tuyển vào Học viện theo quy định.
Việc mở rộng tự chủ cho phép các trường có thể tính toán đến các phương thức xét tuyển đa dạng và mở ngành mới cho phù hợp yêu cầu thực tế. Theo TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh nên dù là hình thức xét tuyển nào cũng do trường chủ động xây dựng và được công bố công khai trong đề án tuyển sinh riêng, các trường cũng căn cứ những yêu cầu hiện có về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình và nhu cầu xã hội để xem xét mở ngành cho phù hợp.
|
Nhưng học sinh vẫn loay hoay về ngành
Theo thông tư của Bộ GD&ĐT, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường. Việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau. Ví dụ, chỉ riêng số tiến sĩ cần có, ngành y khoa cần có tối thiểu 2 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 6 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 1 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng.
Thực tế là thời điểm hiện tại, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đã được chú trọng hơn bằng nhiều hình thức: Các tổ chức xã hội cùng tham gia, tư vấn ngay tại trường THPT, các trường ĐH… Nhưng vì sao khi tìm hiểu để đăng ký nguyện vọng, thí sinh vẫn nhiều “mơ hồ” về ngành?
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội cho biết: “Chúng em cũng có tham khảo các thông tin ngành nghề của các trường, tham gia cả những ngày hội tư vấn tuyển sinh nhưng có một thực tế như này, nếu các bạn giỏi, chọn Y, Sư phạm, hay Kế toán, tài chính, ngân hàng, Báo chí… thì công việc sau ra trường đã dần dần được định hình rõ. Còn như em với lực học bình thường thôi, em muốn chọn một ngành điểm chuẩn phù hợp như thương mại chẳng hạn, thì em không biết là cụ thể ngành đó đào tạo gì, và sau này ra trường em sẽ làm được gì, và nên chọn thương mại của trường nào thì phù hợp với em hơn”.
Thực tế là có những em học sinh đã biết cách tìm thông tin trên danh sách trường về các cựu sinh viên để hỏi về việc chọn nghề. Ví dụ như trên website của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội có danh sách các sinh viên đã tốt nghiệp ra trường theo khoa, vẫn làm đúng ngành nghề, có cập nhật địa chỉ email và facebook cá nhân, và nhiều học sinh chuẩn bị thi ĐH có thể hỏi tư vấn từ chính các cựu sinh viên. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng biết cách chọn tư vấn như trên, và càng không phải trường nào cũng có hình thức cập nhật danh sách cựu sinh viên để học sinh có thể xin tư vấn trực tiếp.
Các chương trình tư vấn tuyển sinh hiện nay được phân theo kết cấu chung là có đại diện lãnh đạo Bộ thông tin về quy chế tuyển sinh nói chung, và các trường giới thiệu thông tin chung về trường, phương thức tuyển sinh ra sao, có gì mới. Nhưng thông tin về thực tiễn từng ngành nghề thì chưa được bàn sâu, bàn kỹ, trong khi đó mới là điều các học sinh cần. Ví dụ các ngành học chung chung như: Đông Phương học, truyền thông, toán học, khoa học tự nhiên… thì học cụ thể chương trình như nào, sau này có thể làm được những công việc cụ thể gì thì học sinh lại chưa biết rõ.
Chưa kể, việc mở ngành mới có đi cùng với nhu cầu nhân lực được dự báo trong 4 hay 5 năm tới hay không là điều ít trường trao đổi. Bởi ngành “hot” suy cho cùng phải đi kèm với dự báo nguồn nhân lực từ các điều tra, dự báo cụ thể, chứ không thể chỉ quảng cáo ngành mới một cách chung chung.
"Các trường ĐH, CĐ trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không "đánh bóng danh tiếng" gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại