Thứ ba 26/11/2024 05:10

Nhiều người ở Hà Nội bị kiến 3 khoang đốt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Khoảng 2 tuần trở lại đây, những người sinh sống ở một số KĐT ở Hà Nội như Đặng Xá, huyện Gia Lâm bị “tấn công” bởi một loài côn trùng lạ.


Người bị nhẹ thì rát, bỏng vùng tiếp xúc với côn trùng tới vài tiếng sau. Người nặng hơn thì phồng rộp, sưng tấy đến cả tuần…


TS Phạm Thị Khoa: Kiến 3 khoang khó diệt được bằng thuốc diệt thông thường.


Xuất hiện loại côn trùng lạ

Anh Nguyễn Đức Huy, ở nhà A2-D3, KĐT Đặng Xá cho biết, gia đình anh chuyển về căn hộ mới ở được gần 2 tuần nhưng chỉ sau 3 ngày thì anh bị ngứa. Cảm giác lúc đó vừa ngứa vừa rát, nhất là vào buổi tối thì ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Đầu tiên anh không biết là bị làm sao. Thấy mọi người bảo bị rola thần kinh nên mua thuốc về bôi nhưng cũng không khỏi.

Chỗ bị đốt rộp lên và lan khắp người. Sau đó nghe mọi người bảo ở khu vực này xuất hiện kiến 3 khoang và anh để ý thấy trong nhà có rất nhiều loài côn trùng này, nhất là vào buổi tối thì chúng bò khắp tường. Đặc biệt khi gia đình bật bóng đèn nê-ông và mở cửa thì chúng bò vào đậu kín cả một mảng tường.

“Hiện tại tôi bôi thuốc mỡ và uống vài loại kháng sinh, các chỗ ngứa cũng đã khỏi. Bên cạnh đó, tôi phun thuốc diệt côn trùng thì thấy số lượng kiến đã đỡ hơn nhưng không biết liệu chúng có hết được không” -anh Huy bày tỏ.

“Tối hôm ấy trời có gió mát nên gia đình bật đèn và mở cửa ra hóng gió thì bất ngờ cháu lớn nhà tôi kêu ầm lên là bị đau ở gáy. Vội vàng kiểm tra tôi thấy có con côn trùng mang lớp vỏ cứng, có dạng như con kiến đang đậu trên cổ áo cháu.

Sau đó thằng bé cứ kêu đau, rát và chỗ bị đốt thì phồng rộp, đỏ hết lên. Hôm sau đưa con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị dị ứng phấn côn trùng. Mấy ngày sau tôi mới biết loại côn trùng đó là kiến 3 khoang” -anh Nguyễn Văn Hải, ở KĐT Đặng Xá cho biết.

Chị H, sống cùng khu đô thị trên nói, cách đây 1 tuần chị cũng bị loại kiến 3 khoang này đốt khiến một bên má bị sưng, đỏ. Chị đã thử dùng đủ các loại kem bôi mà mãi chưa khỏi, chỗ bị đốt vẫn rát và phồng rộp. Trong nhà chị cứ buổi tối là loại kiến này xuất hiện rất đông khiến các cháu nhỏ khiếp sợ vì thấy mẹ bị đau. Chị H, giãi bày: Sự xuất hiện của loại côn trùng này khiến cuộc sống của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng không biết có cách nào tiêu diệt được chúng vì chồng tôi đã thử dùng thuốc phun, dùng nước dội lên nhưng chúng không hề chết.


Anh Huy với những nốt kiến đốt ở chân.


Nên giảm bớt ánh sáng của đèn nê-ông

Trao đổi về loại côn trùng này, TS. Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết: Kiến 3 khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ cánh cụt, bộ cánh cứng, lớp côn trùng… Về mặt hình thái học, loại côn trùng này rất đặc biệt: Thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm; ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau: Đầu đen, ngực vàng cam, đỏ.

Loại kiến này thích ánh đèn màu xanh nê-ông vào ban đêm. Một số có vi khuẩn cộng sinh khi tiết ra chất thì gây kích ứng da (dân gian hay gọi là hiện tượng “giời leo”) khiến sưng, phù, dị ứng, rộp. Khi cơ thể người tiếp xúc với kiến 3 khoang sẽ có cảm giác bỏng rát, rộp lên, có mụn nước hoặc mủ tạm thời.

Hiện nay các khu chung cư đã xuất hiện loại côn trùng này. Nguyên nhân khiến loài côn trùng này thích các khu đô thị do ánh đèn bố trí ở các KĐT chưa hợp lý về sinh học. Ánh sáng xanh thu hút các loài côn trùng nói chung trong đó có rầy nâu-một loại thức ăn của kiến 3 khoang. Rầy nâu bị thu hút bởi ánh đèn và kiến 3 khoang cũng bị thu hút. Chúng lao vào ánh sáng để ăn rầy nâu nên các KĐT nhiều ánh đèn nê-ông trở thành nơi tập kết, làm tổ của kiến 3 khoang.

Việc diệt kiến 3 khoang rất khó, không đơn giản vì chúng có cấu tạo đặc biệt, hệ thống lỗ thở dọc theo các đốt. Khi phun hóa chất chỉ cần ngửi thấy mùi thì các lỗ thở đóng lại, chúng lăn ra giả chết-có khi cả tuần mới tỉnh lại. Vì thế, cách phun diệt côn trùng thông thường không hiệu quả mà phải phun tồn lưu trên tường từ 2m trở xuống, song cách phun này tốn kém.

Bởi vậy, để phòng tránh bị kiến 3 khoang đốt, theo TS. Khoa, các gia đình nên hướng dẫn trẻ em chơi ở nơi xa ánh đèn-nhất là mùa côn trùng phát triển (tháng 3-5 và tháng 8-10). Các KĐT nên dùng lưới chống muỗi, chống côn trùng; giảm bớt ánh đèn vào mùa côn trùng phát triển vì các loại côn trùng nói chung có thể gây kích ứng. Mọi người nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giũ giường chiếu trước khi đi ngủ; sử dụng cây đuổi côn trùng quanh nhà như xả, dạ hương...; nuôi các loài chuồn chuồn để ăn ấu trùng.

Khi thấy loại côn trùng này đậu trên tay áo thì thổi để bay đi chứ không nên chà xát để tránh làm bay phấn hoặc vi khuẩn cộng sinh tiết ra chất gây ngứa. Khi bị đốt thì nên xử lý bằng cách rửa nhẹ bằng xà phòng dưới nước mát, không được chà mạnh.


Bài+ảnh: Thịnh An

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động