Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt mức giá kỷ lục
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Ảnh minh họa |
2 mặt hàng chủ lực bứt phá ngoạn mục
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng 7/2023 và tăng 29,7% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê đến tháng 8 và tháng 9 đã hết hàng. Điều này dẫn đến lượng cà phê xuất khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
EU là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam đã tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 21% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 390.000 tấn, trị giá 854,2 triệu EUR (tương đương 914,1 triệu USD).
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 20,9% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 27,5% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Tương tự đối với mặt hàng hạt điều, tháng 8/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới trên 60.500 tấn, trị giá 333,8 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 tăng 29,2% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.
Tháng 8/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới về lượng và giá. Ảnh minh họa |
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt gần 395,6 nghìn tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.760 USD/tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022, song vẫn ở mức cao.
Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang các tất cả các thị trường chủ lực tăng. Trong đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc, Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ả rập Xê út tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá của các mặt hàng nông sản nêu trên, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, từ đầu quý III/2023 xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã có chuyển biến tốt. Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.
Nguồn cung giảm, giá tiếp tục tăng cao
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá cà phê Robusta sẽ tiếp tục phục hồi trong ngắn hạn do thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung. Thị trường lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino dự báo xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương, trong khi khối lượng cà phê được chứng nhận trên cả hai sàn vẫn ở mức rất thấp.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng dự báo, quý IV/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng trở lại. Hiện các nhà máy sản xuất trong nước ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại.
Hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, nhiều đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng quý IV đã ký. Việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường sẽ giúp cho ngành điều Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, năm nay, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành hàng này vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, các nhà máy phải lệ thuộc từ 50 - 60% nguyên liệu nhập khẩu. Để cải thiện vấn đề này, khâu then chốt là phải đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cao sản lượng, chất lượng cây điều Việt Nam.
Đối với cà phê, Bộ NN&PTNT và các tỉnh Tây Nguyên hiện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích nông dân chuyển sang mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, đặc biệt là cà phê đặc sản. Theo đó, nhiều hợp tác xã và nông dân đã thu về lợi nhuận cao, đồng thời nâng được giá trị thương hiệu của cà phê vùng Tây Nguyên.
“Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, chiến lược ngành cà phê là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan…) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân, bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD. Để đảm bảo giá cà phê duy trì ở mức cao, Bộ NN&PTNT đã thông qua “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt diện tích cà phê đặc sản chiếm 2% tổng diện tích, nghĩa là sản lượng ở mức 5.000 tấn và tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại