Nhiều hoạt động Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, các hoạt động trang trí tuyên truyền được triển khai đan xen với hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/25-8-2021) và phòng, chống dịch Covid-19.
Tại khu vực trung tâm thành phố và các trục đường chính, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ triển khai công tác tuyên truyền cổ động trực quan bao gồm: Trang trí các cụm pano tại khu vực Cát Linh-Giảng Võ, Trần Nhân Tông, các vườn hoa, quảng trường, khu vực Nhà hát Lớn, Ngân hàng Nhà nước…
Bên cạnh đó, duy trì trang trí chiếu sáng tại 12 tuyến đường gồm: Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Thanh Niên, Ngô Quyền, Hàng Bài, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng và Đại lộ Thăng Long.
Trang trí Quốc kỳ, Đảng kỳ và hồng kỳ tại hệ thống cột trước khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước. Sở cũng huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện tuyên truyền các ngày kỷ niệm trên các bảng quảng cáo tấm lớn, màn hình led theo quy định. Tổ chức triển lãm ảnh có nội dung kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Nhà Triển lãm thành phố.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan bằng nhiều hình thức phù hợp như: Lắp dựng các cụm pano, băng rôn dọc, biểu ngữ… theo maket trang trí đã được thành phố phê duyệt; vận động Nhân dân treo cờ Tổ quốc đảm bảo trang trọng, an toàn.
Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn thành phố và tuân thủ các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: BTC Triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại” |
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/ 25-8-2021), từ ngày 22-8, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại” nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với vị tướng huyền thoại.
Công chúng có thể xem Triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại” tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
Triển lãm gồm 3 chủ đề: “Từ Nhân dân mà ra”; “Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”; “Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, làm nổi bật dấu ấn, vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975, góp phần làm nên những chiến thắng làm thay đổi cục diện chiến trường, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Với 200 tài liệu, hình ảnh, Triển lãm sẽ tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc; góp phần khắc họa lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Triển lãm cũng làm nổi bật dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà D67, di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/4-10-2013) là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời binh nghiệp của ông khởi đầu từ năm 1944, với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ 34 chiến sĩ đầu tiên “từ Nhân dân mà ra”, đội quân đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trải qua những năm tháng “chiến đấu trong vòng vây” của kẻ thù; trưởng thành vượt bậc qua từng trận đánh, từng chiến dịch và đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại