Thứ sáu 17/05/2024 01:30

Nhiều địa phương vẫn lúng túng xóa lò gạch thủ công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo lộ trình được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 23-7-2018, toàn TP chỉ còn 6/199 lò gạch nung (4 tại huyện Mỹ Đức và 2 tại huyện Quốc Oai) được phép tồn tại đến năm 2020, còn lại cần chấm dứt hoạt động trước ngày 31-12-2018. Tuy nhiên,  tại một số địa phương lò gạch thủ công vẫn đều đặn hoạt động.

Nhiều lò gạch thủ công phớt lờ chỉ đạo

Thời hạn xử lý các lò gạch thủ công theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội rất rõ ràng, nhưng sau ngày 31-12-2018 kéo dài cho đến thời điểm này tại thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai nhiều lò gạch thủ công vẫn đua nhau hoạt động.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết, theo hợp đồng ký kết trước đó với 3 chủ lò gạch thì ngày 20-1-2019 mới hết hạn. Giờ các lò gạch vẫn hoạt động là do còn một số gạch mộc (chưa nung) tồn đọng từ trước. Theo lời một chủ lò gạch, việc di dời, tháo dỡ lò chậm là do phải xử lý nốt số lượng gạch mộc tồn từ trước, bên cạnh đó người làm thuê chủ yếu là người trong làng xã, là lao động tự do nên thường xuyên nghỉ việc làm liên quan đến lò gạch để lo việc cấy hái, thu hoạch lúa, hoa màu nên tiến độ tháo dỡ lò bị ảnh hưởng.

Theo quan sát của chúng tôi, thật khó để tin những lý do này, bởi không chỉ có gạch mộc tồn đọng mà có cả gạch mộc mới được sản xuất. Nếu UBND huyện Quốc Oai và UBND xã Hòa Thạch vẫn chỉ đạo lỏng lẻo như này, có lẽ chưa biết đến bao giờ các lò gạch thủ công trên mới chấm dứt hoạt động, cho dù cả chính quyền và chủ lò đều biết rất rõ về thời gian và chỉ đạo của Chính phủ và TP.

Tại huyện Sóc Sơn, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, huyện phải hoàn thành việc chấm dứt hoạt động của 65 lò gạch thủ công cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đủ điều kiện hoạt động trước ngày 31-12-2018. Nhưng cho đến thời điểm tháng 5-2019, toàn huyện mới xử lý được 30 lò gạch.

Số lượng lò gạch nung chủ yếu tập trung tại 10 xã, gồm: Bắc Phú, Bắc Sơn, Tân Minh, Xuân Giang, Hồng Kỳ, Tân Dân, Hiền Ninh, Đức Hòa, Minh Phú, Việt Long. Trong đó, xã tồn tại nhiều lò gạch nung nhất là Bắc Sơn 42 lò, Bắc Phú 8 lò, Tân Minh 4 lò... Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn đánh giá, do một số xã chậm triển khai kế hoạch xử lý, thậm chí thiếu quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, dẫn đến tiến độ xử lý các lò gạch nung bị chậm.

nhieu dia phuong van lung tung xoa lo gach thu cong
Tại huyện Quốc Oai vẫn tồn tại nhiều lò gạch thủ công nằm trong danh sách phải xóa bỏ của UBND TP. (Ảnh: G.B)

Kiên quyết xử lý

Thống kê của Sở Xây dựng, đến giữa năm 2018, trên địa bàn Hà Nội có 199 lò gạch đất sét nung, sử dụng công nghệ lạc hậu. Trong đó, có 130 lò cải tiến có hệ thống xử lý khói thải và 69 lò vòng. Nhiều địa phương hiện đã không còn bóng dáng các lò gạch nung như: Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm. Song cũng có không ít huyện còn nhiều lò gạch nung hoạt động như Sóc Sơn (60), Phúc Thọ (49), Quốc Oai (15), Ứng Hòa (12)...

Tại huyện Phúc Thọ, hoạt động của lò gạch nung trên địa bàn các xã: Võng Xuyên, Long Xuyên, Đức Hòa, Xuân Phú, Cẩm Đình, Xuân Phú thời gian qua không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm chết hoa màu mà còn gây cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ.

Trước đó, trong văn bản gửi UBND TP, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo tình hình hoạt động của các lò gạch thủ công cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn TP. Cụ thể, tại các huyện Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất không còn tồn tại các lò thủ công cải tiến, lò vòng. Các huyện còn lại vẫn còn tồn tại các loại lò trên. Việc tồn tại các lò gạch này ở thời điểm hiện nay là không phù hợp.

Các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì kiến nghị UBND TP cho phép duy trì hoạt động của các lò cải tiến, lò vòng đến hết năm 2020. Các huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng không đề xuất lộ trình xóa bỏ các loại lò gạch này. Lý do chủ yếu để các huyện đề xuất kéo dài thời gian hoạt động của các loại lò: Đáp ứng nhu cầu sử dụng gạch của nhân dân địa phương và phục vụ chương trình nông thôn mới; tạo điều kiện để các chủ lò thu hồi vốn đầu tư; tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Sở Xây dựng khẳng định, việc xây dựng lộ trình để xóa bỏ hoàn toàn các lò cải tiến, lò đứng, lò vòng là cần thiết. Từ thực trạng trên, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP giao UBND các huyện: Chỉ đạo dừng ngay việc tiếp tục đầu tư, khai thác đất để sản xuất gạch đối với các lò cải tiến, lò đứng, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đề xuất với UBND TP lộ trình thực hiện của từng địa phương đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn việc hoạt động của các loại lò này; kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng và UBND TP.

Cũng trong văn bản này, Sở Xây dựng đề cập tới các khu vực đã được quy hoạch nhà máy gạch tuynel phải chuyển đổi, đầu tư công nghệ lò tuynel hiện đại và dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung (trong đó có công nghệ lò tuynel). Kiên quyết, xóa bỏ các cơ sở gạch nung tự phát, không có trong quy hoạch. Thống kê, tổng hợp số lượng lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang lao động tại các lò gạch, có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề. Sở LĐ-TB&XH phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện trong việc thực hiện cơ chế hỗ trợ đối với việc chuyến đổi nghề.

Tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo lộ trình được UBND TP phê duyệt ngày 23-7-2018, chỉ còn 6/199 lò gạch nung (4 tại huyện Mỹ Đức và 2 tại huyện Quốc Oai) được phép tồn tại đến năm 2020; còn lại cần chấm dứt hoạt động trước ngày 31-12-2018. UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện căn cứ lộ trình, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra; đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình duy trì hoạt động thì lập hồ sơ xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.

Tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo lộ trình được UBND TP phê duyệt ngày 23-7-2018, chỉ còn 6/199 lò gạch nung (4 tại huyện Mỹ Đức và 2 tại huyện Quốc Oai) được phép tồn tại đến năm 2020; còn lại cần chấm dứt hoạt động trước ngày 31-12-2018. UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện căn cứ lộ trình, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra; đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình duy trì hoạt động thì lập hồ sơ xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.
Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động