Thứ hai 20/05/2024 16:00

Nhiều biển quảng cáo vi phạm ngang nhiên tồn tại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Trái với Luật Quảng cáo, Luật DN, có nhiều tấm biển quảng cáo của các cá nhân, tổ chức kinh doanh vẫn đang chềnh ềnh tồn tại. Phải chăng các lực lượng chức năng không biết?

Vào đầu năm 2014, tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, xuất hiện tấm biển quảng cáo “xé rào”… của Cty con thuộc Cty CP Tập đoàn Hương Sen (Cty Hương Sen), trụ sở tại TP Thái Bình, do một Cty con của Cty Hương Sen dựng. Đó là tấm biển được dựng hiên ngang trên nóc tòa nhà Lotus Building, số nhà 2D, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, do Cty Đầu tư phát triển Đông A (Cty Đông A) là chủ đầu tư.

Theo nguồn tin của PV báo PL&XH thì trên nóc tum của tòa nhà này có tấm biển quảng cáo bảng điện mang tên và hình ảnh các sản phẩm của Cty Hương Sen như bia Đại Việt; nước ngọt Push Max… vi phạm về kích thước, thông tin quảng cáo. Tấm biển trên được dựng bởi Cty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng (Cty Long Hưng), có địa chỉ tại tầng 8 của tòa nhà Lotus Building nói trên. Được biết, Cty Long Hưng là một Cty con của Cty Hương Sen và Cty Long Hưng thuê một phần tầng 8 của tòa nhà Lotus Building làm trụ sở hoạt động.

Tấm biển quảng cáo của Cty Long Hưng trước khi báo PL&XH phản ánh.

Tấm biển đó đã tồn tại trong suốt thời gian dài, cho đến khi báo PL&XH đăng bài phản ánh (số ra ngày 5-3-2014) thì mới dỡ phần quảng cáo, nhưng phần khung vẫn giữ lại.

Mới đây, tại trước nhà số 9, đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cũng xuất hiện tấm biển quảng cáo của một xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô mang thương hiệu Mazda. Được biết, tấm biển quảng cáo này không hề được cấp phép về nội dung quảng cáo cũng như vị trí đặt biển quảng cáo (không phải là trước trụ sở cơ quan). “Em không biết biển có được cấp phép hay không, nhưng cũng có mấy lần bị Thanh tra xử lý đã phải cắt biển đi. Em chỉ biết làm theo lệnh sếp, bảo em cắt thì em cắt, bảo em dựng thì em dựng thôi”-Vị Trưởng phòng dịch vụ của xưởng có tấm biển quảng cáo khẳng định với PV. Ngày 17-3-2015, chuyên mục “Ống kính PV của báo PL&XH đăng phản ánh về tấm biển quảng cáo nói trên thì ngay sau đó 1 ngày, tấm biển lập tức bị dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi tấm biển quảng cáo bị dỡ bỏ thì phần vỉa hè bị đào bới vẫn là một bãi chiến trường...

Tại Luật Quảng cáo số: 16/2012/QH13 thể hiện rõ những yêu cầu cơ bản và vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với việc quảng cáo. Trong đó, khoảng 4 Điều 5 của Luật Quảng cáo nêu rõ: “UBND các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền”. Xét về khía cạnh công tác quản lý địa phương, thì đơn vị liên quan đối với 2 tấm biển quảng cáo nói trên là UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Dịch Vọng Hậu; UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Phú Đô.

Về trách nhiệm của người cho thuê địa điểm quảng cáo, khoản 2, 3, Điều 15 của Luật Quảng cáo có nêu: “Chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của việc cho thuê địa điểm quảng cáo, phương tiện quảng cáo và an toàn của phương tiện quảng cáo; thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo đã ký kết; Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp lắp, dựng công trình quảng cáo không đúng với giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy phép xây dựng”. Đơn vị cho thuê quảng cáo đối với biển quảng cáo của Cty Long Hưng là chủ đầu tư tòa nhà Lotus Building - Cty Đông A.

Trách nhiệm của đơn vị liên quan đối với tấm biển quảng cáo của xưởng dịch vụ Mazda còn có Đội Thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm. Nguyên nhân là xưởng dịch vụ Mazda đã đào bới vỉa hè để chôn biển quảng cáo, khi chưa được cấp phép của Sở GTVT TP Hà Nội.

Nội dung quảng cáo của cả 2 tấm biển quảng cáo nói trên cũng đang có dấu hiệu vi phạm tại khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo quy định về “Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh” phải có các nội dung sau: a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; c) Địa chỉ, điện thoại”. Thế nhưng bằng tầm nhìn với không gian của tấm biển nói trên thì không hề thể hiện các yếu tố nêu trên. Tấm biển quảng cáo của xưởng dịch vụ Mazda còn vi phạm cả về việc sử dụng tiếng nước ngoài trên biển quảng cáo.

Vậy ngoài 2 tấm biển kể trên, còn bao nhiêu tấm biển quảng cáo tương tự đang tồn tại? Rất cần sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng.

Nguyễn Khuê

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động