Nhà trọ trong ngõ hẹp có phá vỡ hạ tầng đô thị?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều căn chung cư mini, nhà trọ cho thuê nằm trong ngõ sâu khu vực gần phố Đào Tấn (quận Ba Đình, Hà Nội) khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn nếu xảy ra cháy. Ảnh: Thanh Tuấn |
Thời gian qua, Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà trọ, chung cư mini gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến vụ cháy chung cư mini hồi tháng 9/2023 ở phường Khương Thượng (quận Thanh Xuân); cháy nhà trọ ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy); gần nhất là vụ cháy nhà tại phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai)… Điều này một lần nữa lại dấy lên lo ngại về sự an toàn của loại nhà ở này, bởi không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị lớn vẫn còn tồn tại hàng trăm căn chung cư mini, nhà trọ không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo các chuyên gia đô thị, nhu cầu thuê nhà của người lao động đô thị rất lớn, khi mỗi năm lượng người từ khắp nơi đến Hà Nội học tập và làm việc ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, động thái kích giá trên thị trường bất động sản cũng tạo ra tâm lý khan hiếm, khiến giá nhà vượt tầm với của người lao động, buộc lòng họ phải đi thuê trọ.
Thực trạng đó vô hình trung tạo cơ sở cho các loại hình nhà trọ này phát triển, mặc dù nhiều nhà nằm trong hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như: lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa... Bởi, đây là lựa chọn phù hợp khả năng chi trả của họ để "bám trụ" Hà Nội.
Đặc biệt, chưa có nhiều chính sách đặc thù liên quan đến việc xây dựng nhà cho thuê, nên tại các khu đô thị, DN không mặn mà phát triển bài bản loại hình này. Đây là khó khăn trong thực tiễn để thực hiện chính sách về nhà ở của Hà Nội. Trong khi ở các vị trí cạnh trường đại học, hoặc khu công nghiệp, nhu cầu luôn có, vì vậy người dân đã chia nhỏ nhà để cho thuê.
Chia sẻ trong phiên thảo luận tại tổ, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhìn nhận, các vụ cháy xảy ra là hệ quả của quá trình “làng lên phố”. “Khi làng lên phố, người dân đã cơi nới nhà ở, khiến đường trở nên chật hẹp. Thực tế, như con hẻm từ ngoài vào sâu bên trong khu vực có ngôi nhà bị cháy ở Trung Kính dài 300m, nhưng có tới 5 góc cua. Càng vào sâu, hẻm càng thu hẹp thêm. Con hẻm nhỏ tới mức chỉ 1 chiếc xe máy đi qua được. Vì vậy, quy định pháp luật phải chặt chẽ, sát thực tế và phù hợp hơn. Đồng thời, khi phát triển các khu đô thị mới, cần quy hoạch bài bản, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và an toàn về phòng cháy chữa cháy” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết.
Về lâu dài, nếu các loại hình tự phát nói trên tiếp tục phát triển, sẽ tạo áp lực lên đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo quy chuẩn phòng chống cháy nổ, thiếu tiện ích cần thiết cho cư dân… Do đó, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với giải pháp đồng bộ đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý.
TS. Phạm Đình Tuyển, nguyên giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường đại học Xây dựng) cho rằng, ngân sách không thể đủ nguồn lực để cải tạo hàng nghìn khu trọ mất an toàn tại Hà Nội và các đô thị hiện nay. Vì vậy cần tuyên truyền để chủ kinh doanh nhà trọ hiểu và bỏ kinh phí ra cải tạo các khu nhà trọ hiện hữu theo hướng an toàn hơn.
Cần khuyến khích các cộng đồng trong từng ngõ phố, từng tổ dân phố dựa trên các quy định bảo đảm an toàn cháy nổ để đề ra các giải pháp bảo đảm an toàn cháy cho chính họ. Mọi việc nên bắt đầu từ cộng đồng thì mới nâng cao được ý thức của người dân, trong đó có người thuê trọ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở, bao gồm: cả mua, thuê và thuê mua với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh an toàn. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu về nhà ở của người dân, để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ở vị trí thuận tiện, quy mô phù hợp với nhu cầu của người dân với đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước...
Có thể thấy, bên cạnh các chính sách phát triển nhà ở xã hội, các cơ quan Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Bởi với đặc thù pháp lý và rủi ro khác nhau, lãi suất cho vay mua các loại hình nhà ở không nên cào bằng như hiện nay.
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn Hà Nội, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội, thông tin qua rà soát, TP xác định được 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại