Thứ hai 20/05/2024 10:46

Nhà nước hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ thông qua những cơ chế, chính sách chỉ đạo kịp thời và hiệu quả.    

Chính phủ đã cụ thể hóa tại Nghị Quyết số 02/NQ-CP về chủ trương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, nguyên tắc được quán triệt là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường Đại học, tập trung triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Các nội dung quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ tại nước ta hiện nay sẽ là công việc cần thiết cho mỗi doanh nghiệp bao gồm:

Hỗ trợ vốn nghiên cứu khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp

Theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được công bố mới đây, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Cụ thể, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ sản xuất. Các hình thức hỗ trợ bao gồm cho vay với lãi suất thấp, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh vay vốn để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ.

Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ tiền vốn để doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng được sản xuất từ quá trình đổi mới công nghệ. Đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật sẽ được các nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ cho vay với mức lãi suất tối đa chỉ bằng một nửa so với các ngân hàng thương mại thực hiện điều này.

Theo Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Nhà nước quy định hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức KH&CN. Hình thức hỗ trợ là cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN hoặc hỗ trợ trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.

nha nuoc ho tro phat trien khoa hoc va cong nghe trong doanh nghiep
Ban quản lý Văn phòng các chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 kiểm tra tiến độ thực hiện các đề tài KHCN năm 2018

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học và công nghệ

Cũng theo Nghị định số 119/1999/NĐ-CP, các doanh nghiệp đầu tư khoa học và công nghệ được ưu đãi thuế suất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, ưu đãi tín dụng và thuế nhập khẩu,...

Cùng với đó, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3-6-2008, tại điều 17, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để xây dựng quỹ khoa học và công nghệ để doanh nghiệp có thể đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, cải tiến dây chuyền sản xuất. Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp để đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Với loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), hay nói cách khác là các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 Quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo) và Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng trong năm 2018, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có những quy định về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng việc miễn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Quy định việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về cơ sở vật chất, đào tạo - huấn luyện, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, …; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn từ khoản thu nhập từ khoản đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các chương trình...

Nghiên cứu và phát triển (NC&PT) đóng vai trò then chốt trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ NC&PT cấp quốc gia để thực hiện áp dụng khoa học và công nghệ trong giải quyết các vấn đề quốc gia, đồng thời thông qua đó, doanh nghiệp có kinh phí để thực hiện nghiên cứu các sản phẩm mới chất lượng cao phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước.

nha nuoc ho tro phat trien khoa hoc va cong nghe trong doanh nghiep
Nằm trong chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các cán bộ kỹ thuật và quản lý đang theo dõi khả năng vận hành của hệ thống sấy lúa vỉ ngang

Theo đó, nhiệm vụ NC&PT bao gồm các nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia (giai đoạn 5 năm), nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia, các nhiệm vụ nghiên cứu trong khuôn khổ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, các nhiệm vụ nghiên cứu hợp tác quốc tế theo Nghị định thư, các nhiệm vụ cấp bộ và cấp cơ sở.

Đến nay, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các chương trình lên đến hàng nghìn tỉ đồng, trong đó khoảng 50% là nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và phần còn lại là huy động nguồn xã hội khác. Phần kinh phí này đã hỗ trợ cho khoảng 1000 đề tài nghiên cứu mỗi năm cho hàng trăm doanh nghiệp có năng lực phát triển khoa học và công nghệ trên toàn quốc.

Trong đó, các chương trình khoa học công nghệ quốc gia điển hình được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844); Các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;...

Sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước sẽ truyền cảm hứng và động lực mạnh mẽ cho tiến trình đổi mới của các doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm của quốc tế cho đầu tư và phát triển thị trường tại Việt Nam.

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động