Thứ sáu 29/03/2024 22:24
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam

Nguyên tắc cơ bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những bài nói, bài viết của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đều mang tính hệ thống, tính thời đại, sâu sắc và phong phú.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của cán bộ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

nguyen tac co ban ve cong tac dao tao boi duong can bo theo tu tuong ho chi minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam Bộ từ chiến trường miền Nam - Ảnh chụp năm 1949.
Ảnh tư liệu

Khi bàn về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và chính quyền các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm tới đạo đức và tài năng của cán bộ. Theo Người, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chú trọng cả 2 tiêu chuẩn là đạo đức và năng lực của cán bộ. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ, coi đạo đức là cái gốc của mọi phẩm chất nhân cách khác. Tài năng phải gắn liền với đạo đức cách mạng, là “hoa thơm” nở trong “vườn” đạo đức. Có tài năng mà không có đạo đức thì “tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người ví đạo đức cách mạng: “...cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người nhấn mạnh, các công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc “tính thực tiễn”.

Theo Người, các phương thức đào tạo, huấn luyện phải cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành. Huấn luyện, đào tạo cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định đến trình độ và chất lượng cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu học lý luận phải gắn liền với thực tiễn, tránh đào tạo chung chung, học “vẹt”, học thuộc lòng “Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích”. Người rất quan tâm đến “lý luận phải liên hệ với thực tế” , Người viết: “Học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận”. Thực tiễn không ngừng vận động biến đổi, do vậy lý luận (nội dung đào tạo) càng phải thường xuyên đổi mới, bổ sung, phát triển và cán bộ phải thường xuyên “Học, học nữa, học mãi” theo lời dạy của Lênin, Người viết: “Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn cách mạng của ta”. Nguyên tắc “tính thực tiễn” của Người còn thể hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, lấy thực tiễn làm mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho đủ đòi hỏi trong hiện tại mà công tác “huấn luyện” còn phải “nhìn xa trông rộng” đón bắt được xu thế của cách mạng, chủ động tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với tình hình. Người viết: “Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: Đoàn thể, Mặt trận, chính quyền, quân đội”. Trong Di chúc thiêng liêng mà Người để lại, Người rất quan tâm đến việc bồi dưỡng những thế hệ cách mạng cho đời sau, Người quan tâm đến thanh niên và nhắc nhở phải chú ý đến tầng lớp này, đào tạo, bồi dưỡng họ thành những người làm cách mạng chân chính.

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng phải đề cao tính chủ thể và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.

Tức là không phải ai cũng có thể tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được, người làm công tác này phải thực sự là một tấm gương về đạo đức và chuyên môn công tác, đồng thời phải là người không ngừng học hỏi, tu dưỡng. Mặt khác, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà không biết “huấn luyện ai” thì sẽ không có hiệu quả “Huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy rửa khuyết điểm cho họ”.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng phải quan tâm đến vấn đề phương pháp.

Người quan tâm đến hàng loạt vấn đề trong mối quan hệ giữa phương pháp với mục tiêu, nội dung, các hình thức tổ chức huấn luyện và tính thực tiễn của công tác “huấn luyện”. Theo Người, “Việc cốt yếu là làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ... Trái lại, nếu ít thì giờ, trình độ kém, mà cứ cặm cụi lo nghiên cứu tỉ mỉ..., không có ích lợi gì cả”. Trong công tác “huấn luyện” cần phải chú ý “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Người phê phán kiểu làm “qua loa đại khái trong huấn luyện”. Khi bàn về các hình thức tổ chức huấn luyện, theo Người, “Mở lớp nào cho ra lớp ấy; Lựa chọn người dạy, người học cho cẩn thận; Đừng mở lung tung”. Người cho rằng việc mở lớp “quá đông” dẫn đến trình độ học viên quá chênh lệch nhau, hoặc mở quá nhiều lớp sẽ không có hiệu quả, việc huấn luyện sẽ theo kiểu “bắt phu”, việc dạy và học sẽ theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước”, người dạy theo kiểu “bịt lỗ”, năng lực kém “nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho Đoàn thể”.

Bốn là, quán triệt tinh thần học tập “Học, học nữa, học mãi” của Lênin.

Theo Người việc học tập là diễn ra suốt đời, người dạy cũng như người học phải không ngừng học tập. Đã làm cán bộ cách mạng là phải học và không ngừng học. Đồng thời học phải đi đôi với “hành”. “Hành” để học. Người lấy gương của “Khổng Tử” để nói về tinh thần học tập, rèn luyện “Khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”. Người cho rằng phương châm học tập suốt đời là “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”.

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Toàn bộ hệ thống tư tưởng đã thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc từ việc xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đến tính cụ thể quá trình “huấn luyện” cán bộ như thế nào, được thể hiện thông qua hàng loạt vấn đề “mục tiêu”, “nội dung”, phương pháp” và “tính nguyên tắc” trong hoạt động đào tạo, “huấn luyện” cán bộ.

nguyen tac co ban ve cong tac dao tao boi duong can bo theo tu tuong ho chi minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm ngày 19-5-1955. Ảnh tư liệu

Để vận dụng sáng tạo những nguyên tắc cơ bản này trong các nhà trường nói chung, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Đảng và Nhà nước nói riêng và nhất là với mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình đào tạo và tự đào tạo, bồi dưỡng, cần xác định những nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thấm nhuần quan điểm "nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu". Căn cứ vào quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kết hợp bồi dưỡng kiến thức lý luận với rèn luyện trong thực tế; bồi dưỡng đào tạo từ thấp đến cao, giao từ việc nhẹ đến việc nặng, từ đơn giản đến phức tạp để cán bộ rèn luyện và trưởng thành vững chắc. Song, thời gian thử thách đó lâu hay chóng tùy theo sự phát triển của cán bộ quyết định. Trong quá trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên, uốn nắn kịp thời các lệch lạc, thiếu sót, động viên để cán bộ không ngừng phấn đấu vươn lên.

Thứ hai, để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần có kế hoạch được lập ra trên cơ sở tiêu chuẩn về mặt kiến thức đã đề ra cho từng loại chức danh cán bộ trong từng tổ chức, nhưng phải có tính hiện thực. Từ mục tiêu đã định trong kế hoạch và căn cứ vào thực trạng đối tượng cán bộ đã lựa chọn mà đặt ra yêu cầu đối với từng cán bộ cho phù hợp trong từng giai đoạn nhất định: ai học gì, học ở đâu, bao giờ học, hình thức đi học, thời gian đi học… Sau khi xác định được những cán bộ nằm trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phải thống kê tổng hợp để nắm được số cán bộ cần được đào tạo, bồi dưỡng về từng mặt kiến thức, văn hóa, lý luận chính trị, kinh tế, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ. Điều quan trọng trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ nêu ra được yêu cầu mà phải có biện pháp tích cực để thực hiện yêu cầu đó. Tận dụng những điều kiện sẵn có của địa phương, của ngành để có thể chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (như chủ động tích cực trong việc mở lớp). Đồng thời cùng với lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về vật chất, tinh thần, thời gian cho các cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ ba, người làm công tác cán bộ phải nắm được quan điểm, chủ trương, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước để từ đó có kế hoạch cụ thể hơn trong công tác này: cán bộ nào cần được đào tạo một cách có hệ thống, chính quy; cán bộ nào cần được bồi dưỡng các lớp ngắn hạn, các lớp tại chức, các lớp tập trung; ai cần được đào tạo trước, ai sau… Tất cả các kế hoạch này vừa phải thể hiện thành con số, thành danh sách cụ thể.

Là một khâu trong công tác cán bộ nên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có liên quan mật thiết với các khâu khác: đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Do vậy công tác đào tạo cán bộ không chỉ thực hiện ở khía cạnh lý luận mà còn bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho cán bộ như luân chuyển cán bộ, cử đi nghiên cứu thực tiễn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, kế hoạch kèm cặp để có thể gắn liền công tác đạo tạo với việc bố trí sử dụng cán bộ.

Như vậy, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, đã và đang được thực tiễn cách mạng chứng minh tính chất và sự đúng đắn đó. Chỉ khi nào có được những người cán bộ trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, bảo vệ thì cán bộ mới thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

TS Nguyễn Thanh Giang

Viện Lãnh đạo học và chính sách công – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động