Nguyên Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Đức Thái (ngoài cùng tay trái) cùng một số bị can đã bị khởi tố |
Ngày 13/2, CQ CSĐT Bộ Công an khởi tố bắt bị can để tạm giam đối với các bị can Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch HĐTV Cty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hai bị can Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing, Cty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam và Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng bị khởi tố, bắt giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam.
Khi đó, ông Nguyễn Đức Thái được cho có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới. Đồng thời, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật Nhà nước.
Theo báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021 được công khai trên website của NXB Giáo dục ngày 30/6/2022, ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2021 nhận lương 544 triệu đồng và 120 triệu đồng tiền thưởng, tổng cộng gần 700 triệu đồng.
NXB Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình Cty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100%, cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT. Năm 2021, NXB in hơn 164 triệu cuốn sách giáo khoa, tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách; lãi sau thuế 287 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
CQ CSĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản Nhà nước.
Bình luận về tội danh ông Nguyễn Đức Thái và các bị can bị khởi tố, luật gia Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 BLHS 2015.
Hành vi khách quan của tội này là người phạm tội phải là người có hành vi dựa vào chức vụ, quyền hạn của mình. Từ đó, sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra.
Theo luật sư Nguyên, hậu quả của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu hành vi chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.
Người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý, họ nhận thức được rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng mong muốn hậu quả xảy ra.
Không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.
Về hình phạt, theo vị luật gia, Điều 356 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Còn phạm tội mà gây thiệt hại tài sản 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Như vậy, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà ông Nguyễn Đức Thái có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Trong số các bị can trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy trước đó đã bị CQ CSĐT Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” liên quan đại án Việt Á. Bà Thủy có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành để tạo điều kiện giúp Cty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19 để trục lợi. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại