Nguy cơ lây lan dịch giữa các tỉnh, thành trong dịp Tết rất lớn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTS. Nguyễn Huy Nga cảnh báo: Dịp cuối năm nhiều người sẽ tụ họp vui chơi, đến các điểm này, điểm khác, gặp nhau tiệc tùng, tiếp xúc không đeo khẩu trang thì rất nguy hiểm (ảnh minh hoạ, Khánh Huy) |
Những ngày gần đây số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước luôn duy trì ở mức cao. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16g ngày 29-12 đến 16g ngày 30-12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.107 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.404 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.714.742 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.383 ca nhiễm). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: là 15.289 ca/ngày.
Đặc biệt, trước sự xuất hiện biến chủng Omircon, Việt Nam đã giám sát và công bố ca bệnh đầu tiên ngày 28-12 là người trở về từ Anh. Sáng 31-12, Viện Pasteur Nha Trang đã có báo cáo về kết quả giải trình tự gen với 15 mẫu bệnh phẩm do tỉnh Quảng Nam lấy từ những hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly tại một số khách sạn trên địa bàn.
Kết quả cho thấy 14/15 mẫu nhiễm chủng SARS-CoV-2 Omicron B1.1.529. Các mẫu này được Viện Pasteur Nha Trang nhận lúc 18g ngày 27-12-2021. Xử lý, xét nghiệm và phân tích từ ngày 28 đến 30-12-2021, có kết quả lúc 15g ngày 30-12-2021. Đây là mẫu giám sát định kỳ mà Viện yêu cầu các tỉnh gửi về hàng tuần, ưu tiên mẫu từ người nhập cảnh.
Việc số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong dịp Tết dương lịch và sự xuất hiện biến chủng Omircon khiến cộng đồng lo ngại nguy cơ bùng phát dịch.
Theo TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch trong dịp Tết dương lịch và âm lịch là rất lớn do chúng ta đang phải đối phó với chủng Delta, lại xuất hiện chủng Omicron. Bên cạnh đó, dịp Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Như vậy nguy cơ không phải trong phạm vi một tỉnh, TP mà nguy cơ giữa các tỉnh, cả nước.
Vì thế, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch giữa các tỉnh, thành, trong dịp Tết cận kề, người dân nên hạn chế đi lại, không đi lại khi không cần thiết. Nếu bắt buộc về quê nên có các biện pháp phòng dịch ví dụ chọn phương tiện đi lại an toàn, ưu tiên phương tiện cá nhân. Ví dụ về quê thắp hương nhưng không nên tụ tập ăn uống, đến thăm hỏi nhau..., TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cũng bày tỏ: Trong dịp Tết việc đi lại thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu không quá cần thiết thì mọi người không nên di chuyển, đi lại khi dịch đang căng thẳng.
"Quan trọng là việc tụ tập đông người. Đi về, di chuyển giữa các nơi nguy hiểm hay không phụ thuộc vào hành vi của con người. Ví dụ như bản thân tôi về quê mà giữ gìn, không tiếp xúc với ai thì cũng không có vấn đề gì. Dịp cuối năm nhiều người sẽ tụ họp vui chơi, đến các điểm này, điểm khác, gặp nhau tiệc tùng, tiếp xúc không đeo khẩu trang thì rất nguy hiểm. Nhưng nếu chỉ đi trên đường, đeo khẩu trang, không nói chuyện, tiếp xúc với ai thì nguy cơ không cao", TS. Nguyễn Huy Nga phân tích.
TS. Nguyễn Huy Nga cho rằng, để chống dịch hiệu quả cần tuyên truyền cho người dân hiểu đúng các nguy cơ, tránh tiếp xúc khi người đi từ vùng này đến vùng kia. Đồng thời, phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, phải thông tin tới từng gia đình về dịp Tết không được tụ tập đông người bởi đang có dịch. Phải quán triệt tinh thần như vậy. Không cấm nhưng thuyết phục, khuyến cáo và quán triệt. Ai từ đâu về cũng phải thông báo với chính quyền địa phương, hạn chế đi lại chúc tụng nhà này, nhà kia.
"Chính quyền địa phương nên khuyến cáo người dân hạn chế tiếp những người về từ vùng có dịch. Còn cơ hội gặp được người thân, gia đình là mừng rồi, nên bó hẹp trong gia đình đó thôi. Đừng để sau một cái Tết lại chạy đôn chạy đáo vì dịch bệnh. Đừng để vài ngày Tết ảnh hưởng đến cả vài tháng, vài năm sau", TS. Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại