Thứ hai 25/11/2024 18:18

Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong giây phút lịch sử vào trưa ngày 30-4-1975, Đại úy Vũ Đăng Toàn (nguyên chính trị viên xe tăng số hiệu 390) hạ mệnh lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập húc đổ cổng chính dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn để mở đường cho bộ đội giải phóng tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đó là những hồi ức về 46 năm lịch sử về ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 vẫn in dấu trong người lính giải phóng quân Vũ Đăng Toàn, nguyên Trung úy kíp trưởng xe tăng 390.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, ngôi nhà của ông Vũ Đăng Toàn (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương) đông khách hơn thường lệ bởi những cuộc nói chuyện, giao lưu với nhà báo, cùng cuộc hội ngộ của những người lính giải phóng quân.

Ở tuổi ngoài 70, những câu chuyện về thời khắc tiến vào dinh Độc Lập của 46 năm qua được ông kể rành mạch, rõ ràng như một “tư liệu lịch sử” sống động về một thời hoa lửa.

Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử

Đại úy Vũ Đăng Toàn (ngoài cùng bên trái) và Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Quang Thận, nguyên đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn tăng 2, Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 (ngoài cùng bên phải) chụp trong ngày chiến thắng 30-4-1975.

Hồi ức về "trận chiến cuối cùng"

Thưa Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên Trung úy, chỉ huy xe tăng 390, chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn tăng 2, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2), ông có thể kể lại chi tiết của ngày 30-4-1975 lịch sử?

8g ngày 30-4-1975 đơn vị của tôi có mặt tại cầu Sài Gòn. Trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390. Lúc đó có 4 người gồm trung úy Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, trưởng xe ; trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 1; thiếu úy Lê Văn Phượng, Đại đội phó, pháo thủ số 2 và trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe. (Bây giờ, kíp xe tăng 390 chỉ còn 3 người, đồng chí Lê Văn Phượng đã mất).

Lúc này, trên cầu Sài Gòn, 3 xe tăng của ta và 1 xe M48 của ngụy đang cháy. Trên trời, những chiếc máy bay A37 gầm rú dội bom xuống cầu, hòng ngăn chặn lực lượng của ta. Lập tức, những khẩu súng máy cao xạ trên các xe tăng của ta đồng loạt nhả đạn, buộc máy bay địch phải vọt lên cao thả bom nhưng không trúng cầu. Nhận định tình hình địch, các đồng chí đã bàn bạc việc qua cầu đánh thẳng vào thành phố Sài Gòn.

Đơn vị nhanh chóng qua cầu, đi đến đâu, xe của địch bị tiêu diệt và cháy đến đó. Xe 390 lao lên vượt qua chướng ngại vật và tiến về ngã tư Hàng Xanh rồi rẽ trái theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đi đến cầu Thị Nghè, chúng tôi phát hiện xe 387 của ta bị trúng đạn, một chiến sĩ bộ binh đi cùng xe hi sinh.

Đến cổng dinh Độc lập chúng tôi thấy xe tăng số hiệu 843 của anh Bùi Quang Thận đi trước đột nhiên dừng lại ở phía cổng phụ trái. Lúc này, lái xe Nguyễn Văn Tập quay ra hỏi: Thế nào anh Toàn ? Tôi hạ lệnh: "Cứ xông thẳng vào". Anh Tập tăng ga chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cánh cửa sắt – sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy, nếu cho tôi trở lại thời khắc đó, tôi cũng sẽ dõng dạc ra lệnh: "Cứ xông thẳng vào".

Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử

Đại úy Vũ Đăng Toàn hồi tưởng về chiến thắng lịch sử 30-4-1975. (Ảnh: Vi Giáng)

Trong giây phút hạ mệnh lệnh, ông từng có suy tính gì lúc đó?

Tôi khẳng định là không. Và lúc quyết định húc đổ cổng chính, không nghĩ hàng rào có thiết bị điện tử hay không, chỉ với lòng quyết tâm nhanh chóng thọc sâu vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền, bắt toàn bộ nội các của Dương Văn Minh, cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút toàn thắng của dân tộc để cho đồng bào ta đỡ đổ máu, đồng chí, đồng đội không còn nhiều hi sinh.

Sau khi tiến vào dinh Độc Lập, ông làm nhiệm vụ gì?

Sau khi là chiếc xe tăng tiến vào đầu tiên trong dinh, tôi nhanh chóng cầm lấy lá cờ giải phóng treo trên cần ăng-ten trên bộ đàm thì anh Phượng (pháo thủ số 2) vỗ vai chỉ đằng sau là anh Bùi Quang Thận đã cầm cờ chạy theo xe rồi.

Lúc này, tôi vừa đeo khẩu súng ngắn vừa cầm thêm khẩu súng AK, lên đạn sẵn sàng để yểm trợ đồng chí Thận chạy lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, ông Hạnh có giới thiệu là phụ tá cho Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh và có nói: "Hiện nay tổng thống Dương Văn Minh vẫn còn sống và mời các ông đến làm việc".

Cả 3 người cùng chạy lên tầng 2, trước mắt tôi là hình ảnh tòa nhà rộng rãi, trong nhà có khoảng 50-60 người, trong đó phụ nữ khoảng hơn 10 người trang phục đẹp, lịch sự với áo trắng, quần đen. Sau khi hỏi ông Hạnh về chỗ thang máy để lên tầng thượng tòa nhà thì gặp anh Nguyễn Hữu Thái, Hội Sinh viên yêu nước đã nhận chỉ đường và trên đường có gặp Đại tá Vũ Chiêm cùng GS Huỳnh Văn Tòng.

Có một điều đặc biệt là lịch sử không sắp đặt, ngẫu nhiên 3 người đại diện 3 vùng miền cùng hướng lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Đó là anh Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) miền Bắc, anh Nguyễn Hữu Thái (quê Đà Nẵng) miền Trung, GS Huỳnh Văn Tòng người Nam Bộ. Tôi đánh giá rất cao ý nghĩa của tinh thần hợp sức, đồng lòng vì một Việt Nam thống nhất và hình ảnh lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975.

Sau khi anh Bùi Quang Thận lên treo cờ, tôi ở lại làm nhiệm vụ ổn định an ninh phía trong nội các, đợi cấp trên lên làm việc. Lúc này, đồng chí Ngô Sĩ Nguyên vừa lên thì tôi giao nhiệm vụ canh gác ngoài cửa.

Sau khi ông Nguyễn Hữu Hạnh mời Tổng thống Dương Văn Minh ra phòng khánh tiết, tại đây Trung tướng Tư lệnh Quân khu 1 Phạm Xuân Thệ, nguyên Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và 2 trợ lý vừa lên tới nơi. Cùng lúc có đoàn của Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 tới.

Ông Dương Văn Minh nói với ông Bùi Tùng: "Chúng tôi đợi các ông vào để bàn giao chính quyền". Đồng chí Bùi Tùng dõng dạc: "Các ông là người bại trận, không còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện. Lúc đó, Dương Văn Minh cúi đầu xuống. Sau đó, đơn vị ta tổ chức đưa Dương Văn Minh đi về Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng.

Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử
Đại úy Vũ Đăng Toàn lật giở lại những bức ảnh thời chiến sau 46 năm lịch sử. (Ảnh: Vi Giáng)
Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử

Bức tranh lưu niệm về hai chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 và T59 số hiệu 390 từng được xác lập là bảo vật quốc gia năm 2012 được người lính giải phóng quân đặt trịnh trọng trong ngôi nhà.

Và những phút giây lịch sử

Trong trận đánh cuối cùng còn những câu chuyện chưa kể nào, thưa ông?

Sáng 30-4-1975, nếu Nguyễn Văn Tập mà lái xe chậm nửa giây thôi thì chắc bọn tôi trúng bom rồi. Trên đường vào dinh, xe 390 bị hai xe tăng M8 và M113 của địch chĩa nòng súng nhả đạn, Trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên quay súng bắn tiêu diệt luôn xe tăng địch để tiến thẳng vào cổng dinh.

Trước giây phút lịch sử, những người lính giải phóng có cảm xúc ra sao?

Là người đầu tiên có mặt trong ngày đánh chiếm dinh Độc Lập, là người chứng kiến sự đầu hàng của Dương Văn Minh, bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh và chứng kiến giây phút cắm cờ báo hiệu giờ phút toàn thắng của dân tộc.

Chúng tôi, những người lính giải phóng cảm xúc lúc ấy quá sung sướng vì khao khát hòa bình khi chiến tranh quá dài và ác liệt. Các cán bộ, chiến sĩ ôm nhau khóc, nước mắt người lính nào cũng chảy ra ướt nhòe gương mặt vẫn còn bám mùi khói đạn. Chúng tôi là người trong cuộc cũng bất ngờ tại sao giải phóng Sài Gòn nhanh thế.

Chiều 30-4, đơn vị nhận lệnh đưa xe tăng ra cảng Bạch Đằng. Khung cảnh người dân đi chật cứng hai bên đường, phải rất lâu chúng tôi mới ra khỏi cửa ngõ Sài Gòn. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đơn vị được phân công về tổng kho Long Bình (Đồng Nai) củng cố về tinh thần, lực lượng, học tập chính trị, để sẵn sàng chiến đấu.

Như một sự lựa chọn của lịch sử, hai chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 và T59 số hiệu 390 thuộc biên chế Lữ đoàn xe tăng 203 là hai chiếc xe tăng đầu tiên đến cổng dinh Độc lập vào trưa ngày 30-4-1975 và hai người lính chỉ huy của 2 chiếc xe huyền thoại là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Quang Thận, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn tăng 2, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) và Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên chính trị viên đại đội 4 cũng là người đầu tiên đặt chân vào tòa nhà dinh Độc Lập. Đồng chí Bùi Quang Thận với bước chân thần tốc vùng lên cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc lập thì đồng chí Vũ Đăng Toàn có nhiệm vụ giữ an ninh phía trong nội các, thị uy tinh thần ngụy quyền trước khi áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng.
Vi Giáng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động