Thứ tư 15/05/2024 23:46

Người khơi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không ít các nhà cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX đều lấy báo chí và xem báo chí là một phương tiện quan trọng trong con đường truyền bá chủ nghĩa yêu nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc lúc bấy giờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một người trong số đó, nhưng ở Người còn là một phong cách làm báo hết sức đặc biệt.

Không chỉ là Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là một nhà báo tài năng, tâm huyết. Bài báo đầu tiên trong đời làm báo của Hồ Chí Minh là bài viết Vấn đề người bản xứ đăng trên báo báo L'Humanité (Nhân đạo) ngày 2-8-1919. Bài báo cuối cùng mà Người viết là bài Thư trả lời Tổng thống Mỹ, đăng báo Nhân Dân số 5684, ngày 7-11-1969 (bài báo này Hồ Chí Minh viết ngày 25-8-1969, tức là trước một tuần ngày Người qua đời). Tuy nhiên, bài báo cuối cùng đăng khi Người chưa đi xa là bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, ký tên TL, đăng báo Nhân Dân số 5526 ra ngày 1-6-1969).

Trong cuộc đời làm báo của mình, Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài viết với nhiều chủ đề khác nhau. Nhà báo Hồ Chí Minh không những chỉ viết báo bằng tiếng Việt mà còn viết bằng nhiều ngôn ngữ khác. Người là cộng tác viên và đã viết hàng loạt bài cho các báo như: L' Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền) của Liên đoàn Lao động Pháp, Điện tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản III, Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô...

nguoi khoi nguon bao chi cach mang viet nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn, Người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chỉ riêng báo Nhân dân, nếu tính từ số từ số 1 ngày 11-3-1951 đến số 5526 ngày 1-6-1969, Hồ Chí Minh đã đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau. Hồ Chí Minh cũng được xem là nhà báo có nhiều bút danh nhất thế giới với gần 200 bút danh khác nhau. Có những bút danh thậm chí được xem là rất kỳ lạ như: X.L, T.L, Một Người An Nam, Một Người Bạn… Không chỉ là nhà báo với nhiều tác phẩm, Hồ Chí Minh còn là người đặc biệt quan tâm đến việc phát triển báo chí cách mạng Việt Nam cũng như đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo thật sự bút trong, tâm sáng.

Ngày 17-8-1952, trong buổi nói chuyện với cán bộ báo chí ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Cũng tại đây, Người đã giải đáp cặn kẽ những câu hỏi này, đó là: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng'”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”. Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9-1965, Hồ Chủ tịch tới dự và có phát biểu định hướng cho sự phát triển của báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo. Tại đây, Người đã thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng…”. Người cũng phê phán một số bài báo “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích”, “đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng…”.

Đặc biệt, Người phê phán tình trạng mà Người gọi là “khuyết điểm nặng nhất” đấy chính là nhiều bài báo “dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng…” để rồi căn dặn: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới... Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Khi Hồ Chí Minh còn hoạt động ở Pháp, những bài viết của Người nhằm để đánh vào giới thực dân, đế quốc nên Người dùng chữ tài tình, biến hóa. Tờ Báo ở Pháp do Hội Liên hiệp Thuộc địa thành lập, Người đặt tên là Le Paria (Paria là nhóm trong đẳng cấp thấp nhất theo phân chia của hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ cổ đại, tức là những người sinh ra từ gan bàn chân, là nhóm tận cùng, dưới đáy của xã hội). Khi ở căn cứ Việt Bắc, đa phần người dân ở vùng căn cứ cách mạng, vùng tự do khi ấy có trình độ học vấn và hiểu biết chưa cao, nên những bài viết của Người thường mộc mạc, dễ hiểu, mang tính đại chúng...

Trong sự nghiệp làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ bài báo đầu tiên đã cố gắng để viết ngắn nhất và nói rõ nhất điều mình muốn nói cho đông đảo người đọc có thể chia sẻ được. Chính vì rèn luyện được phong cách viết báo cô đọng và giản dị như thế mà trong nhiều trường hợp, những câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu của Bác Hồ lại phải được người đọc suy ngẫm để cảm thấu được những biên độ cả trong và ngoài chữ nghĩa của Bác. “Phò chính, trừ tà” là một câu nói cực ngắn gọn như vậy, nhưng nội hàm của nó là cực sâu, và biên độ của nó lại cực rộng.

Thủy Liên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động