Người hòa giải viên tận tụy, nhiệt tình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiai đoạn 2018 - 2023, TP Hà Nội phê duyệt danh sách 152 người có uy tín vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, dân tộc Mường có 101 người, dân tộc Kinh 48 người và dân tộc Dao 3 người.
Ông Bùi Hoàng Long là một trong số 152 người có uy tín vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Ông Bùi Hoàng Long chia sẻ, trong những năm qua, với sự quan tâm của TP, thôn Đồng Chay nói riêng và xã Vân Hòa nói chung luôn ổn định về trật tự chính trị, an toàn xã hội, từng bước phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân tộc trên địa bàn.
Trên vai trò là người có uy tín trong cộng đồng DTTS ở địa phương, ông Bùi Hoàng Long luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, cùng với chi bộ trong thôn tuyên truyền đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ của địa phương. Qua đó, giúp địa phương phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.
Ông Bùi Hoàng Long: “Muốn làm tốt công tác hòa giải thì hòa giải viên cần phải có sự kiên nhẫn và lòng nhiệt tình. Ảnh: Văn Biên |
Cùng với tích cực tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, ông còn tham gia cùng các thành viên trong tổ hòa giải giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.
Ông Long bày tỏ, vai trò của hòa giải cơ sở góp phần lớn vào việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, thắt chặt đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư. Nó hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, chung tay giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn những mầm mống mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng để người dân vui vẻ, an tâm sinh sống làm ăn.
Đối với ông, chính nhờ cách sống gần dân, hiểu dân nên công tác hòa giải có phần dễ dàng hơn. Để giải quyết một vấn đề, ông thường dành nhiều thời gian để lắng nghe, xác minh thông tin rồi phân tích cho đôi bên hiểu rõ lý lẽ, qua đó mà nhận ra “ai đúng ai sai” một cách thấu lý, đạt tình.
Ông chia sẻ, hòa giải cho người dân không thể chỉ đơn thuần áp dụng luật một cách cứng nhắc mà phần lớn là phải phân tích, thuyết phục trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục, truyền thống; bằng uy tín cá nhân để tư vấn, hỗ trợ, xoa dịu đương sự khi có tranh chấp nảy sinh, hướng cho họ cách giải quyết vấn đề thông qua tình cảm, để sau này còn gặp gỡ nhìn mặt nhau, chứ không nên mang tính áp đặt.
Ngày ngày, nếu không có việc gì ông thường hay tới lui thăm hỏi các gia đình trong thôn, gặp gỡ trò chuyện nhiều với bà con thì mới biết được những chuyện trong làng, ngoài ngõ. Theo ông, muốn làm tốt công tác hòa giải phải có sự kiên nhẫn, hòa giải một lần ít khi nào thành công, mà phải đi lại nhiều lần, biết lựa lời hỏi han, chia sẻ với người này, trò chuyện với người kia, để các bên cùng nghe và thấu hiểu, qua đó mà dần dà hóa giải mâu thuẫn.
Ông Long bộc bạch, hòa giải viên phải giúp các bên “hòa” thì mới “giải” được những mâu thuẫn. Tiếp xúc với các bên nên tìm cách làm lắng dịu những uất ức, cảm xúc rồi tìm hiểu vụ việc, vấn đề cốt lõi để tìm hướng giải quyết hợp lý, hợp tình. Sau mỗi lần hòa giải dù thành công hay thất bại, tổ hòa giải đều họp để đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vụ, việc về sau càng nhanh gọn và hiệu quả.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại