Người dân có thể được bác sỹ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị ngay tại nhà
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTới dự buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sự kiện này càng có ý nghĩa lớn khi Chính phủ đang chỉ đạo tích cực để triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự kiện này được thực hiện trong bối cảnh cả nước ta đã một lần nữa thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ 2, cả nước đã qua hơn 20 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam chúng ta tự hào là quốc gia đã lần thứ 2 khống chế thành công dịch bệnh bằng tất cả những giải pháp quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với tinh thần chống dịch như chống giặc. Có nhiều mô hình, cách làm phòng chống dịch hay, hiệu quả được đề xuất và triển khai trong đó có cả việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, hoạt động khám chữa bệnh từ xa đã cho thấy nhiều lợi ích như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới đây, đặc biệt khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế trong tình hình mới, việc mở rộng các hoạt động khám chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết trong công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến hướng tới sự hài lòng của người dân. Người dân trên cả nước vừa được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sỹ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: T.D) |
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ Y tế, các bệnh viện đã chủ động, tích cực phối hợp với Viettel để cùng triển khai, kết nối các điểm cầu - là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; việc ngành y tế đã lựa chọn đặt ra quan điểm chủ đạo của Đề án là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nhiệm vụ của chúng ta và cũng là mục tiêu lớn là mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới “nối mạng” với quốc tế.
“Tôi rất vui khi được biết “đường bay” khám, chữa bệnh từ xa đã được mở sang 2 nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm của các bác sỹ có trình độ cao, tôi tin trong tương lai gần người dân không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Để đề án khám chữa bệnh từ xa, một đề án có ý nghĩa cao cả được lan tỏa và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực, chủ động triển khai tốt chương trình khám chữa bệnh từ xa; liên tục tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này; phối hợp với Bộ TT&TT hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa và phối hợp cùng các đơn vị công nghệ thông tin cùng tham gia phát triển không chỉ các nền tảng mà cả các ứng dụng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2020, ngành y tế nói riêng và cả nước nói chung đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát.
Đến nay đã kiểm soát tốt dịch bệnh với chi phí thấp, Việt Nam là một trong những điểm sáng trong phòng chống dịch, được người dân tin tưởng và được quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, biến nguy thành cơ để đổi mới và phát triển, trong đó hoạt động khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng một cách nhanh chóng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Đề án giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở (Ảnh: T.D) |
Với những lợi ích, hiệu quả của hoạt động, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai đề án Khám chữa bệnh từ xa và chỉ trong thời gian 2 tháng đề án đã đạt mốc 1.000 cơ sở y tế được kết nối trực tuyến để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Với thông điệp chủ đạo của là “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Đề án không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.
“Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Quyền Bộ trưởng, trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại