Thứ năm 25/04/2024 19:29

Nghiêm túc, trách nhiệm trong thực hiện các công ước quốc tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 18-7-2011, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1103/2011/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước Lahay số 33 ngày 29-5-1993 (Công ước Lahay số 33) về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Với vai trò là thành viên trong thực hiện Công ước, 10 năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để thực hiện các mục tiêu chung, dành những điều tốt đẹp cho trẻ em và hoàn thiện nhiều hành lang pháp lý liên quan.
Việt Nam nỗ lực thực hiện các công ước quốc tế, dành điều tốt đẹp nhất cho trẻ em
Việt Nam nỗ lực thực hiện các công ước quốc tế, dành điều tốt đẹp nhất cho trẻ em

Hành lang pháp lý hoàn thiện, đồng bộ

Theo Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp thì Việt Nam ký, phê chuẩn và thực hiện Công ước Lahay số 33 trong thời điểm hiện nay có nhiều điểm thuận lợi.

Trong đó, đáng kể nhất là pháp luật trong nước về nuôi con nuôi đã được hoàn thiện một cách toàn diện và đồng bộ, thể hiện qua việc Quốc hội thông qua Luật Nuôi con nuôi và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. Về cơ bản, các quy định của Công ước La Hay số 33 đã được nội luật hóa ở mức tối đa trong hai văn bản này.

Song song với đó, Việt Nam đã trải qua nhiều năm thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với các nước Pháp, Italia, Đan Mạch, Thụy Điển, Ailen, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha. Cho đến nay, tất cả những nước này đều đã trở thành thành viên của Công ước Lahay số 33. Do vậy, việc thực hiện các Hiệp định hợp tác song phương đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi theo cơ chế của Công ước La Hay.

Vì thế, báo cáo đánh giá kết quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, trong 10 năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan chính quyền địa phương trong đó những người làm công tác nuôi con nuôi là nòng cốt, các quy định của Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay đã dần đi vào cuộc sống, công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi từng bước đi vào nề nếp.

Với tư cách là Cơ quan trong khuôn khổ Công ước La Hay, Việt Nam đã thực hiện đúng, nghiêm túc Công ước; đồng thời, tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi, nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước khi giải quyết con nuôi nước ngoài.

Ông Đặng Trần Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp cho biết kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi, giai đoạn 2011-2020, cả nước có 30.519 trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong và ngoài nước. Trong đó, có 26.623 trẻ em làm con nuôi trong nước, chiếm hơn 87%.

“Số liệu này cho thấy trẻ em được cho làm con nuôi trong nước cao gấp 7 lần so với số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, điều này phản ánh đúng chủ trương của nhà nước về lĩnh vực con nuôi” – ông Đặng Trần Anh Tuấn nhận định.

Trách nhiệm trong việc thực hiện các công ước quốc tế

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, việc thi hành Công ước La Hay tại nước ta nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, góp phần ngăn ngừa lợi ích bất chính từ việc nuôi con nuôi, đồng thời ngăn chặn các vụ việc trái với những mục tiêu của Công ước La Hay; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi; quản lý có hiệu quả các tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Những năm qua, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, nghiêm túc trong thực hiện các công ước quốc tế.

Theo quy định tại Điều 3 Công ước Quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên, lợi ích tốt nhất của trẻ em trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, bao gồm cả tòa án.

Mặt khác, khoản 3 Điều 5 Luật Trẻ em và Điều 2 Luật Nuôi con nuôi về bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em cũng là nguyên tắc hàng đầu khi các cơ quan bảo vệ trẻ em và đăng ký nuôi con nuôi ra các quyết định liên quan đến trẻ em.

Ưu tiên dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chăm lo cho trẻ em, trong đó chú ý đến những nhóm trẻ yếu thế, chịu thiệt thòi, tìm cho các em những mái ấm gia đình mới, phù hợp là đã được cụ thể hóa bằng rất niều hệ thống chính sách và việc làm cụ thể.

Cục Con nuôi đánh giá cao công tác tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, trong đó có việc sửa đổi hoặc ban hành Quy chế liên ngành trong công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác nuôi con nuôi nói chung và giải quyết cho các trường hợp trẻ sống tại cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi nước ngoài nói riêng.

Việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo thủ tục giới thiệu tăng, trong số 156/246 trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được cho làm con nuôi nước ngoài có 116 trường hợp được giải quyết thông qua thủ tục giới thiệu (chiếm 74%) và 40 trường hợp giải quyết thông qua thủ tục đích danh.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác nuôi con nuôi trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và mỗi địa phương có những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn với phương châm dành những thứ tốt đẹp nhất cho trẻ em và đối với trẻ em không có được may mắn được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong gia đình ruột thịt của mình thì nuôi con nuôi là giải pháp thay thế có nhiều ưu việt.

Đánh giá kỹ hơn khả năng hoàn thiện Luật Nuôi con nuôi để tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển công tác nuôi con nuôi.

Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực phối hợp, chủ động trao đổi thông tin về công tác nuôi con nuôi, tăng cường quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, uốn nắn và xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi và thực hiện Công ước La Hay số 33 cần bảo đảm nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước, nhưng không đồng nghĩa hạn chế hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi trên cơ sở thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động