Nghi phạm mở xưởng chế tạo súng có thể đối diện mức án thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát hiện đối tượng sử dụng ô tô vận chuyển linh kiện chế tạo súng | |
Kiểm tra bưu phẩm nghi vấn, phát hiện linh kiện chế tạo súng hơi khí nén | |
9X lên mạng học cách chế tạo súng bán kiếm lời |
Mới đây, CATP Hải Phòng cho biết, Phòng CSHS (PC02) CATP đã bắt Trần Quốc Tân (40 tuổi) và Phạm Văn Hữu (39 tuổi, cùng trú quận Lê Chân) để điều tra về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Đáng chú ý, đối tượng này còn có biểu hiện chế tạo trái phép các loại súng.
Bước đầu, Tân khai nhận do cần tiền nên nảy sinh ý định chế tạo vũ khí để bán. Anh ta lên mạng Internet tìm kiếm video dạy cách chế tạo súng. Sau khi nghiên cứu tìm hiểu, thông qua các mối quan hệ, Tân biết Phạm Văn Hữu (40 tuổi, trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân), có nghề hàn, nên rủ Hữu tham gia và thỏa thuận nếu bán được súng sẽ chia từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Nghi phạm Trần Quốc Tân và tang vật vụ án |
Trực tiếp Tân đi mua linh, phụ kiện phục vụ hoạt động chế tạo súng và mang đến nhà Hữu tại thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương để cùng gia công, chế tạo. Ngày 17-7, trong khi mang 2 khẩu súng đi bán, Tân đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tiến hành khám xét nhà Hữu, ban chuyên án thu giữ nhiều tang vật liên quan đến việc sản xuất súng. CQCA đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Quang Xá (Cty Luật XTVN, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ vào những kết quả điều tra ban đầu CATP Hải Phòng cùng cấp cho báo chí cho thấy, căn cứ khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 5, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và căn cứ khoản 1 Điều 304, BLHS năm 2015 thì hành vi của Trần Quốc Tân có dấu hiệu phạm tội “Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng”.
Luật sư Phạm Quang Xá phân tích, vũ khí quân dụng bao gồm: Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ (súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;...).
Nhà nước nghiêm cấm hành vi chế tạo trái phép vũ khí nói chung và vũ khí quân dụng nói riêng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 17, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì chỉ những tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mới được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí. Có những tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cũng chỉ được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí mà thôi.
Cũng theo quan điểm của luật sư Phạm Quang Xá, mặc dù Tân có ý định bán vũ khí nhưng hành vi của Tân mới chỉ thỏa mãn ở tội “Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng”, không thỏa mãn các yếu tố của tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. “Hành vi của Tân và Hữu có thể bị xử phạt từ 1 đến 7 năm tù giam theo quy định tại khoản 1 Điều 304, BLHS năm 2015”, Luật sư Phạm Quang Xá nhận định.
Theo luật sư Phạm Quang Xá, thời gian qua, tình hình tội phạm tàng trữ, mua bán các loại linh kiện súng tự chế, súng săn… diễn ra rất phổ biến, nhất là trên mạng internet. Lực lượng CA cả nước đã phát hiện, bóc giỡ hàng trăm đường dây, ổ nhóm đối tượng mua bán linh kiện các loại súng tự chế… Tuy nhiên, do lợi nhuận từ hoạt động này cao và đặc biệt là mức xử lý với hành vi mua bán, tàng trữ linh kiện súng tự chế còn chưa đủ sức răn đe, nên các vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng... Điều này đòi hỏi phải có những chế tài xử phạt thật nghiêm để trấn áp loại hình tội phạm này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại