Ngành Công Thương đã “về đích” với nhiều kết quả tích cực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHoạt động sản xuất tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên. |
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật
Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025 được tổ chức ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt và vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ.
Đóng góp vào các thành tích chung đó, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành công thương đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024. Trong đó, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15% so năm trước, vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).
Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. Phòng vệ thương mại cũng đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc (gần 9%), ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới…
Không khí mua sắm nhộn nhịp tại siêu thị MM Mega Market Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Khẳng định vai trò tiên phong
Đồng tình với báo cáo của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá, năm 2024 đã về đích thành công trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất gay gắt, sức ép về thương mại lớn. Do đó, việc Việt Nam duy trì được chuỗi cung ứng, sản xuất không dễ dàng, chưa kể, kinh tế thế giới phục hồi nhưng chậm, không đồng đều.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, năm 2025 cần tập trung bứt tốc để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là năm củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.
Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, trong đó đòi hỏi ngành công thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này. Do đó, Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề để ngành công thương nghiên cứu, triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, muốn giải phóng nguồn lực, thu hút đầu tư việc đầu tiên là phải tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại. Vì vậy, cần tiếp tục xác định xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược. Bộ Công Thương cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, hướng tới nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam; phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp…
Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đặc biệt, không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc. Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng. Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa; theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước…
Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương năm 2025: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024; xuất khẩu hàng hoá phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024. |
Tính đến giữa tháng 10, xuất nhập khẩu đã vượt 610 tỷ USD | |
Dự báo cả năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu có thể chạm mốc 800 tỷ USD | |
Việt Nam xuất siêu 24,31 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại