Ngăn ngừa tội phạm vị thành niên: Cần đẩy mạnh giáo dục gia đình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng liên quan vụ gây rối trật tự công cộng rạng sáng 22/9. Ảnh: CACC |
Gia tăng tội phạm vị thành niên
Ngày 31/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 đối tượng về tội Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại địa bàn huyện Đông Anh.
Trước đó, khoảng 7h ngày 22/10, Công an xã Đông Hội tiếp nhận tin báo của người dân về việc phát hiện 2 thi thể tại mương nước trên địa bàn thôn Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội).
Qua xác minh, nạn nhân được xác định là V.T.P. và Đ.B.M. (cùng SN 2008, trú tại Đông Anh, Hà Nội).
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, khoảng 20h45 ngày 20/10, do có mâu thuẫn giữa các thành viên nên 2 nhóm thanh, thiếu niên đã hẹn nhau 21h ngày 21/10 tại phía sau trường THCS Ngô Quyền để giải quyết mâu thuẫn.
Các đối tượng đã cầm theo dùi cui điện, dao phay, tuýp sắt làm hung khí. Sau khi gặp nhau, nhóm đối tượng đi nhiều xe máy chạy với tốc độ cao, đuổi đánh nhau, từ trường THCS Ngô Quyền đi ra trục chính đường liên xã Đông Hội ra Quốc lộ 3.
P. và M. chạy vào thôn Lại Đà thì bị 5 xe khác đuổi theo. Nhóm truy đuổi khi đến cổng thôn Lại Đà không thấy P. và M. nên đã quay lại.
Về phía nhóm của 2 nạn nhân, khi quay lại chung cư Đông Hội tập trung thì không thấy xe của P. và M. nên đi tìm nhưng không thấy.
Đến khoảng 6h30 ngày 22/10, một người dân tại xã Đông Hội phát hiện một xe máy đổ nằm sát miệng cống số 4, bên cạnh là 2 thi thể trong tư thế nằm úp mặt xuống mặt nước.
Cơ quan CSĐT đã tiến hành áp dụng các biện pháp điều tra, rà soát các đoạn video ghi lại hình ảnh các đối tượng đuổi theo 2 nạn nhân đi trên đường.
Tại cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận hành vi đuổi theo nhóm của nạn nhân P., M. phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ. Được biết, trong số 34 đối tượng tham gia đuổi đánh nhau, có 9 đối tượng từ 16 tuổi trở lên, còn lại dưới 16 tuổi.
Theo số liệu từ Công an TP Hà Nội, chỉ trong tháng 9/2023, đơn vị này đã xử lý hình sự hơn 560 đối tượng liên quan đến các ổ nhóm thanh thiếu niên tụ tập, rủ nhau điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí “diễu phố”…
Rạng sáng 22/9, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) nhận được phản ánh của quần chúng Nhân dân về việc tại địa bàn phường Mộ Lao có một nhóm thanh, thiếu niên di chuyển bằng xe máy không đeo biển kiểm soát, mang theo hung khí như đao, tuýp sắt, vỏ chai bia.... phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, hò hét, bấm còi gây mất an ninh trật tự.
Đáng chú ý, khi gặp những người đi đường, mặc dù không quen biết, không có mâu thuẫn, số đối tượng này vẫn manh động ném vỏ chai thủy tinh vào người dân, gây thương tích.
Sau 2 ngày đêm rà soát, áp dụng liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 24/9, Công an quận Hà Đông đã bắt giữ được 14 đối tượng có liên quan, đều ở trong độ tuổi từ 14 - 17 tuổi.
Ban đầu Công an xác định, ngày 21/9, Đào A.T. nhắn tin trên mạng xã hội “chửi nhau” với người không quen biết có tên Facebook là “Na Tra” và hẹn tối cùng ngày sẽ gặp để đánh nhau tại khu vực quận Hoàng Mai.
Sau khi hẹn với “Na Tra”, T. nhắn tin lên nhóm “Trẻ 7.0” trên mạng xã hội, rủ các đối tượng trong nhóm hẹn nhau tập trung tại bãi đất trống Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, Thanh Oai, cùng đi tìm đánh nhóm “Na Tra”.
Đúng “giờ G”, nhóm đối tượng xuất phát từ thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, chuẩn bị 2 két vỏ chai bia mang đến tụ tập tại Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, sau đó di chuyển trên 10 xe máy.
Nhóm này cầm theo hung khí, đi qua nhiều tuyến đường phố và có hành vi gây rối trật tự công cộng như: phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, hò hét, bấm còi, giơ hung khí lên trời để thị uy…
Do không tìm được nhóm “Na Tra” nên khi gặp những người dân đi đường, thấy ai nghi ngờ là nhóm “Na Tra”, lập tức chúng ném vỏ chai bia vào người đó rồi bỏ chạy.
Khoảng 0h15 ngày 22/9, khi đi đến đoạn đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, nhóm đối tượng này đã ném vỏ chai bia trúng vào vùng mặt anh C. (SN 1995, ở Hà Đông, Hà Nội) đang điều khiển xe máy đi ngược chiều, khiến anh này bị thương tích, phải đi cấp cứu.
Đến khoảng 2h cùng ngày, khi đến khu vực Ngã Tư Sở, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, thì nhóm Đào A.T. gặp nhóm Chương Mỹ, gồm 10 đối tượng, đi 4 xe máy, mang theo hung khí dao tông, chai thủy tinh.
Nguyễn V.H. (nhóm Đào A.T.) rút khẩu súng (súng săn) bắn một phát lên trời để thị uy. Tiếp đó, 2 nhóm điều khiển xe máy đuổi đánh nhau từ Ngã Tư Sở hướng về huyện Chương Mỹ.
Quá trình đuổi đánh, Nguyễn V.H. sử dụng súng bắn nhiều lần về phía nhóm đối tượng Chương Mỹ đang điều khiển xe máy bỏ chạy.
Khi đến đoạn đường Quang Trung thuộc địa phận phường La Khê, quận Hà Đông thì một người trong nhóm Chương Mỹ bị trúng đạn vào khuỷu tay trái. Hai bên tiếp tục đuổi nhau đến bến xe Yên Nghĩa, Nguyễn V.H. thấy anh T. (SN 2006, ở Chương Mỹ, Hà Nội) đang điều khiển xe máy một mình đi ăn đêm.
Nghĩ anh T. là người cùng nhóm đối tượng Chương Mỹ nên Nguyễn V.H. cầm súng bắn một phát trúng vào phần lưng sườn trái của T. Sau đó, hai nhóm tiếp tục đuổi đánh nhau đến thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ thì dừng lại.
Hung khí các đối tượng sử dụng để bắn người. Ảnh: CACC |
Đó là 2 trong số hàng chục vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua do nhóm thanh, thiếu niên gây ra. Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 74 vụ gây rối trật tự công cộng, trong đó có 2 vụ do các nhóm đối tượng điều khiển xe mô tô chạy thành đoàn với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, gây rối TTCC; 72 vụ do các nhóm đối tượng điều khiển xe mô tô, mang theo hung khí đuổi đánh nhau trên đường phố; xử lý hình sự 566 đối tượng. Đáng chú ý, chiếm chiếm 36,2% trong số đó là các đối tượng dưới 16 tuổi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, hầu hết các đối tượng sau khi có mâu thuẫn đều lên mạng xã hội Facebook, Zalo... để liên lạc, lôi kéo bạn bè với số lượng đông để đi đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn.
Các nhóm đối tượng thường hẹn đánh nhau tại những tuyến, trục đường chính giáp ranh các địa bàn, địa điểm công cộng vắng người qua lại để dễ nhận biết, phát hiện được nhóm đối thủ. Khi di chuyển trên các tuyến đường, các đối tượng mang theo hung khí để thị uy hoặc quay video đăng lên các trang mạng xã hội để đe dọa nhóm đối phương…
Cũng theo đơn vị này, các đối tượng vi phạm trong các vụ đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng phần lớn là dưới 18 tuổi và có không ít đối tượng dưới 16 tuổi. Điều đó gây khó cho lực lượng chức năng, vì chế tài xử lý chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, khi về địa phương lại thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương nên tiếp tục tham gia gây án khiến tình trạng phức tạp…
Trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình
Về sự gia tăng tội phạm vị thành niên và chế tài xử phạt, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn Luật sư Hà Nội, theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhóm người trẻ tuổi trở thành tội phạm ngày càng nhiều, trong đó không chỉ có những tội phạm về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng Internet, tội phạm công nghệ cao...
Do đó, để góp phần khắc phục tình trạng người dưới 18 tuổi ngày càng gia tăng, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, thì việc giữ nguyên quy định xử lý hình sự đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng là cần thiết để bảo đảm tính răn đe, giáo dục.
Bởi theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, đây là những đối tượng đang trong giai đoạn phát triển, dễ manh động, sự hiểu biết về pháp luật, cuộc sống chưa cao. Nếu không có biện pháp chế tài mang tính răn đe hiệu quả về mặt pháp luật thì có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường về mặt an ninh, trật tự xã hội.
“Mục đích của hình phạt nói chung không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Đối với người chưa thành niên phạm tội thì mục đích của việc xử phạt là chủ yếu nhằm giáo dục giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm chứ không phải là mang tính trừng trị. Nhưng với thực tế hiện nay, với việc người chưa thành niên phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không còn là cá biệt mà đang có chiều hướng gia tăng thì mức hình phạt như quy định hiện nay là không phù hợp” - quan điểm của luật sư Nguyễn Tiến Hùng.
Để giảm bớt tình trạng trên, bên cạnh cần có chế tài xử lý phù hợp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng.
Ngoài ra, giáo dục tại nhà trường cần đặc biệt lưu ý. Bởi nhà trường là một môi trường rất quan trọng giúp trẻ nhận thức được các giá trị của đạo đức, văn hóa và có cơ hội thực hành các kiến thức đã học.
Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Khi trẻ em được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, sống có đạo lý thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều.
Đồng thời, để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại