Nga tìm lối thoát khỏi cuộc chiến Syria
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMoscow đối mặt một loạt thách thức
Moscow không muốn bị sa lầy trong cuộc chiến ở Syria, song cũng không muốn đánh mất những thành quả thu được ở đây trong quá trình củng cố sự hiện diện tại quốc gia này và thiết lập ảnh hưởng quan trọng tại khu vực.
Rốt cuộc, Nga chủ trương chiến lược chia để trị cùng với các đồng minh Iran và Syria. Trước hết, họ sẽ làm suy yếu phong trào nổi loạn chống Chính phủ Syria bằng cách đề nghị phiến quân và những lực lượng ủng hộ họ chấp nhận việc thiết lập các "khu vực giảm leo thang" nhằm phong tỏa một số vùng chủ chốt trên chiến trường.
Một khi "các khu vực giảm leo thang" thực sự hết giao tranh, Nga sẽ truy lùng các tổ chức cực đoan tại nước này như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Cho tới nay, chiến lược này tạo điều kiện để Nga và các lực lượng trung thành với Damascus được Iran hậu thuẫn chuyển trọng tâm từ giao tranh với phiến quân ở miền Tây Syria sang chiếm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt ở miền Đông Syria sau khi IS bị đánh bật. Tuy nhiên, Moscow cũng nhận ra rằng việc thực hiện được các mục tiêu mà họ đề ra ở Syria sẽ phức tạp hơn nhiều so với dự đoán của họ.
Mặc dù Nga đã giành được nhiều lợi thế rõ rệt ở Syria, nhưng kế hoạch rút lui của họ đang bắt đầu bộc lộ những nhược điểm. Những "khu vực giảm leo thang" mà Nga thiết lập thông qua các cuộc đàm phán trước đây tại Kazakhstan đã hoàn toàn sụp đổ.
Một phần lý do là các tổ chức phiến quân độc lập ở khu vực không hề có dấu hiệu "đuối sức" trước áp lực từ bên ngoài. Đơn cử như tổ chức dân quân Hayat Tahrir al-Sham đã từ chối công nhận các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Kazakhstan và đã phát động những chiến dịch tấn công các vị trí của lực lượng trung thành với Damascus ở tỉnh Hama.
Những đồng minh của chính Nga cũng phá hỏng kế hoạch của Moscow. Mặc dù Iran và Chính phủ Syria thấu hiểu logic chiến lược của Nga, song họ không muốn từ bỏ chủ quyền của họ đối với những lãnh thổ mà phiến quân đang chiếm giữ thông qua việc ngừng các cuộc tấn công tại đó. Tehran và Damascus, khác với Nga, đã tham chiến từ lâu và sẽ không nhượng bộ cho tới khi họ giành chiến thắng hoàn toàn. Hậu quả là các lực lượng trung thành với Damascus tiếp tục tấn công vào các vị trí của phiến quân ở miền Tây.
Ngoài những thất bại trong việc thiết lập "khu vực giảm leo thang", Nga cũng phải đương đầu với những thất bại khác trong bối cảnh các binh sĩ trung thành với Chính phủ Syria, dưới sự bảo trợ của Nga, đang tiến về phía Đông hướng đến biên giới Iraq.
Chẳng hạn như Moscow thất vọng trước việc Liên minh Arap ở Syria (SAC) được Mỹ hậu thuẫn có thể cản trở chiến dịch này của quân đội Syria. Lực lượng trung thành này còn phải đối phó với các những cuộc phản công từ IS.
Những cuộc tấn công này đã khiến Nga mất một số sĩ quan cấp cao, trong đó có cả một Trung tướng. Bên cạnh đó, hôm 3/10, IS đã phát đi hình ảnh 2 người Nga, có thể là nhà thầu quân sự tư nhân, mà nhóm này tuyên bố đã bắt được trong một cuộc tấn công gần đây.
Càng làm phức tạp thêm vấn đề cho Moscow là tỷ lệ dân chúng trong nước ủng hộ sự can thiệp quân sự vào Syria đang sụt giảm. Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Levada, một cơ quan khảo sát độc lập, tiến hành hồi tháng 9, chưa tới 1/3 người Nga ủng hộ sự can dự của nước này vào cuộc nội chiến ở Syria, giảm so với tỷ lệ 2/3 hồi năm 2015.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức nêu trên đang và sẽ cản trở kế hoạch rút lui của họ tại Syria, Moscow không chắc sẽ từ bỏ chiến lược này trong thời gian trước mắt. Nga sẽ tiếp tục sử dụng áp lực quân sự lên các phiến quân kết hợp với đàm phán ngoại giao với những đồng minh của mình để gây ảnh hưởng lên cuộc xung đột.
Ngay cả khi họ không thể kết thúc được cuộc chiến tại Syria, thì chí ít Moscow cũng có thể tìm cách lái cuộc xung đột này theo hướng không cần có cam kết quân sự lớn từ phía Nga.
Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria. ẢNH TƯ LIỆU |
Thắng lợi cuối cùng đang đến gần
Hiện nay, hầu hết người Nga không quan tâm nhiều đến những thắng lợi chung từ nỗ lực của nhiều quốc gia khác, những gì người Nga quan tâm là cảm giác chắc chắn về thắng lợi cuối cùng đang đến rất gần.
Trong 2 năm can dự vào Syria, Nga đã thử nghiệm hơn 600 vũ khí, 200 trong số đó được chứng minh có hiệu quả chiến đấu cao trong thực hiện nhiệm vụ được đề ra. Hiện nay, hầu hết các hợp đồng bán vũ khí của Nga được ký kết là các loại vũ khí đã được thử nghiệm tại Syria. Năm 2015, xuất khẩu vũ khí của Nga đạt 14,5 tỷ USD, năm 2016 đã vượt 15 tỷ USD và nửa đầu năm 2017 con số này là 8 tỷ USD.
Sau đúng một năm can dự quân sự vào Syria, nhà chức trách Nga cố gắng chứng minh cho người dân rằng Syria sẽ không trở thành Afghanistan thứ hai và sự can dự quân sự vào Syria là ngắn hạn và chi phí thấp.
Đúng hai năm sau khi can dự quân sự, Moscow đang hướng tới chiến thắng, mặc dù vẫn có tranh cãi giữa Nga và Mỹ về công lao trong chiến thắng của hai nước này. Tranh cãi đã trở nên đáng chú ý trong những tuần gần đây trên chiến trường Deir ez-Zor, cũng như các hoạt động tại khu vực giảm căng thẳng ở Idlib.
Quân đội Nga đã nhiều lần tố cáo liên minh do Mỹ dẫn đầu phối hợp với cả IS lẫn Jabhat al-Nusra và chỉ đạo Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tấn công Quân đội Syria. Lầu Năm Góc cũng đưa ra các cáo buộc tương tự khi cho rằng Nga tấn công vào các vị trí của SDF.
Cho dù còn nhiều khác biệt, song Mỹ và Nga không dừng cơ chế phối hợp quân sự giữa hai bên. Cơ chế này được cho là sẽ tiếp tục cho đến khi tiêu diệt hết IS và Jabhat al-Nusra, nhưng câu hỏi lớn nhất là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng việc đánh bại các nhóm khủng bố sẽ là phép thử quan trọng đối với các ý đồ thực tế của Washington, cho biết “các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi, bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson đã cam kết rằng, tại Syria, Mỹ không theo đuổi mục tiêu khác ngoài đánh bại khủng bố.
Ngay sau khi đánh bại khủng bố, cam kết này sẽ trở nên rõ ràng: đó là sự thật hay Mỹ đang tính đến các mục tiêu chính trị khác mà chúng tôi đến nay vẫn chưa biết được”.
Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất của Moscow là hoàn toàn rõ ràng. Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng ở Syria, Alexander Lavrentiev, tuyên bố: “Về mặt chiến lược, chúng tôi không có mục đích xây dựng cơ sở ảnh hưởng trong khu vực. Mục đích của chúng tôi là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa đang đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Nga”.
Vấn đề thật sự ở đây là Moscow sẽ không từ bỏ các cơ sở quân sự tại Tartus và Latakia và các Cty Nga sẽ không hủy bỏ các hợp đồng tại Syria. Danh sách câu hỏi lãnh đạo Nga đang tự đặt ra bao gồm: Thời gian để rút quân khỏi Syria sau khi đánh bại khủng bố là khi nào? Ai sẽ cam kết giám sát hòa bình tại Syria và Syria liệu có trở thành Afghanistan thứ hai đối với Nga nếu bọn khủng bố trả thù ngay sau khi các lực lượng Nga rời khỏi Syria?
Mặt khác, việc đồn trú tại Syria quá lâu sẽ dẫn đến quan điểm cho rằng Nga đã trở thành đế quốc mới, một hình ảnh và vai trò Nga đã tìm mọi cách để tránh.
Thêm vào đó, một số người dân địa phương tại Latakia cho Al-Monitor biết quan điểm của người dân Syria đối với quân Nga là xấu và tốt lẫn lộn. Quân đội Nga được cho là đang mất đi sự quý mến thậm chí trong cộng đồng người Alawite nên nếu quân Nga ở càng lâu tại Syria thì người dân Syria càng có cách nhìn tiêu cực hơn.
Một tin xấu khác đối với Moscow là Nga có thể phải đầu từ nhiều vào công cuộc tái thiết ở Syria hơn đã ước tính trước đây. Xét về mặt này, sự cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra những sự phức tạp về lâu dài.
Nói cách khác, tiền cho tái thiết ở Syria sẽ được cung cấp dựa trên điều kiện Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực. Song một khi quân đội Nga còn đồn trú tại Syria, việc loại bỏ Tổng thống Assad là không dễ dàng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại