Nếu không hợp tác, TikTok sẽ bị cấm tại Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Không gian mạng xã hội phải tuân thủ Luật
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) đưa ra nhận định: “Nếu các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác thì cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn”.
TikTok chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam từ cuối tháng 4/2019 và chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã có khoảng 49,9 triệu người dùng TikTok, xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia sử dụng nền tảng mạng xã hội này nhiều nhất trên thế giới.
Sự phát triển quá "nóng" của TikTok trong bối cảnh nền tảng này chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em, đã gây bức xúc dư luận thời gian qua. Những thông tin lệch lạc như: “Chui đầu vào trụ bê tông”, “nhảy trước đầu xe tải”, “tự mài răng ở nhà”; hay đưa ra những thông tin sai lệch, lệch chuẩn đối với việc chọn nghề, hướng nghiệp của học sinh, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử Việt Nam…
Nội dung độc hại, nguy hiểm trên nền tảng Tiktok còn có thuật toán phân phối nội dung tự động. Chính công cụ này tiếp tay, phát tán nội dung giật gân, câu view, độc hại, phản cảm đến cộng đồng người dùng.
Trước những sai phạm và ảnh hưởng tiêu cực của TikTok và một số mạng xã hội xuyên biên giới khác cuối tháng 5 này, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã cuộc gặp mặt kết nối ba bên gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung - KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) chia sẻ: Bộ TT&TT vừa phối hợp để tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác thì cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn. Chẳng hạn, nếu TikTok không hợp tác với Bộ TT&TT thì chắc chắn bị cấm. Nếu các nền tảng này hợp tác và tuân thủ thì sẽ được tạo điều kiện.
Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh: Người làm nội dung cần phải hiểu rằng hiện nay không gian mạng không còn là không gian ảo, phải tuân thủ Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định quản lý - cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nên người làm nội dung phải chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải, về mặt dân sự và hình sự.
Bộ TT&TT khẳng định, luật pháp Việt Nam có đầy đủ quy định, quy trình để thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh mạng, không chỉ giới hạn ở việc chặn, hạ ứng dụng vi phạm. Đối với giải pháp kinh tế, cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn nguồn tài chính dành cho các nền tảng vi phạm cũng như những người tạo nội dung trên đó.
Thời gian qua, Bộ TT&TT phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, trực thuộc Bộ Công an) và các đơn vị khác để xử lý nhiều trường hợp tung tin giả gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, hay ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền trẻ em, truyền bá mê tín dị đoan, gây kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc...
Bên cạnh việc yêu cầu các nền tảng khóa các kênh xấu độc, Bộ TT&TT cũng kết hợp các bên để ngăn chặn các nhân vật tai tiếng bước vào con đường nghệ thuật chính thống, xây dựng chế tài xử phạt nặng, phạt cả bên thuê những người này quảng cáo.
"Làm tử tế vẫn sống được và thậm chí sống tốt"
TikTok cũng là một nền tảng số rất hiệu quả nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị sản xuất và người tiêu dùng. Trong năm 2022, TikTok đã tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền. Đặc biệt, hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
Chỉ cần xây dựng nội dung video ngắn, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok đã có hàng trăm khách hàng biết đến sản phẩm trong vòng vài phút. Nội dung vẫn là điều quyết định đến sản phẩm của kênh, giữ chân người hâm mộ và quan trọng nhất là không vi phạm pháp luật.
Đại diện Theanh28 Entertainment chia sẻ, hiện đơn vị đang quản lý hơn 600 kênh. Đội ngũ đã mất 5 năm xây dựng nội dung trên Facebook, YouTube, TikTok và có vài lần vấp ngã. Nhưng khi hiểu được nội dung sạch là cần thiết, họ đã thay đổi, nỗ lực không tạo ra các nội dung bẩn.
Ông Huỳnh Long Thủy - Tổng Giám đốc VieON cho biết: Trong quá trình hợp tác với các KOL, doanh nghiệp đã làm hợp đồng rất rõ ràng. KOL (bên B) phải cam kết tuyệt đối giữ gìn hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, đời sống riêng tư trong sạch, không tham gia các hoạt động trái pháp luật, không là bị đơn trong các tranh chấp kiện tụng, không phát ngôn nội dung gây mâu thuẫn, không tham gia vào hoạt động quảng cáo sai sự thật... Nếu một mặt hàng thông thường bị lỗi thì nhà sản xuất sẽ thu hồi. Nhưng các nội dung đăng tải trên mạng (về văn hóa) cho dù xóa vẫn để lại nhiều hệ lụy. Ngay cả lời xin lỗi sau đó cũng trở thành vô nghĩa.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định: Những người sáng tạo nội dung đang làm ăn, kiếm sống trong một hệ sinh thái chứa nội dung thật - giả đan xen. Vì vậy, họ cần có trách nhiệm làm sạch, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhắm mắt trước những cái sai. Tiến tới định danh người dùng mạng xã hội, phạt nặng bên sai phạm, Bộ TT&TT cũng tạo ra danh sách trắng (white list) tập hợp các kênh có nội dung sạch, từ đó hỗ trợ các kênh này bằng cách kết nối với nhãn hàng, cũng như cơ quan nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế... Thế nên "Làm tử tế vẫn sống được và thậm chí sống tốt".
Tiếp tục cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài | |
Hỏa hoạn tại Đài phát thanh truyền hình Hà Tĩnh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại