Thứ hai 20/05/2024 14:14

Nếu bị chó dại cắn phải làm thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Theo thống kê, năm nào vào mùa nắng nóng, số bệnh nhân (BN) bị chó dại cắn cũng tăng cao.


Dù đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả nhưng hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp tử vong đau lòng do nhiều người không hiểu biết cách phòng ngừa và điều trị sau khi bị súc vật cắn. Trước tình trạng này theo bác sĩ (BS) Trần Tịnh Hiền – nguyên PGĐ BV Bệnh nhiệt đới đã đưa ra những lời khuyên cần thiết để giúp các BN bị chó dại cắn có cách sơ cứu, điều trị hiệu quả nhất.


BS Trần Tịnh Hiền- nguyên Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới: Việc xử trí sau khi bị chó mèo cắn, cào có tầm quan trọng sinh tử.


Khi bị chó dại cắn phải xử trí thế nào, thưa BS?

BS Trần Tịnh Hiền: Việc xử trí sau khi bị chó mèo cắn, cào có tầm quan trọng sinh tử. Phải rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng thật sạch. Sau đó đưa BN đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Nếu bị chó, mèo cắn, bao lâu mới tiêm phòng và tiêm phòng ở đâu?

BS Trần Tịnh Hiền: Nước ta thuộc vùng có bệnh dại lưu hành nên phải tiêm ngay lập tức. Không có một chống chỉ định nào cả. Đó là sự chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Các BV, Trung tâm y tế dự phòng, các đội y tế dự phòng... đều tiếp nhận BN đến tiêm phòng bệnh dại. Cần lưu ý thêm việc điều trị thuốc nam, thuốc bắc hay bằng các biện pháp dân gian khác như uống mật trâu... chỉ làm chậm trễ thêm việc điều trị, dẫn đến nguy cơ tử vong.

Vi-rút dại trong mỗi cơ thể có những đáp ứng khác nhau, thời gian ủ bệnh và phát dại thông thường từ 14 ngày đến 1 tháng, nhưng cũng có những trường hợp kéo dài đến 1 - 2 năm. Theo nguyên tắc, người bị chó cắn phải được tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Làm sao biết chó nào sắp lên cơn dại và phải phòng ngừa bệnh dại bằng cách nào?

BS Trần Tịnh Hiền: Chó bị dại tính tình thường thay đổi, nằm yên một chỗ, lừ đừ hay kích động chạy rông, cắn xé hoảng loạn hay liệt chân, chảy nước bọt, lờ đờ rồi chết. Nhưng chó không có triệu chứng dại cũng có thể mang siêu vi, nhất là chó con. Để phòng bệnh, không để chó chạy rông, tiêm chủng cho chó, mèo nếu nuôi trong nhà. Không cho chó liếm vào các vết ghẻ lâu lành, đã có nhiều người chết vì dại, chỉ bởi muốn chữa lành ghẻ.

Theo ông nguyên nhân nào khiến bệnh dại luôn trở thành “vấn nạn” mỗi khi vào mùa nắng nóng?

BS Trần Tịnh Hiền: Mặc dù bệnh dại là bệnh nguy hiểm chết người nhưng một số địa phương vẫn còn lơ là trong công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn, chưa triển khai ký cam kết thực hiện không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo khi không khai báo chính quyền địa phương; không nuôi chó mèo gây ô nhiễm môi trường. Chưa thực hiện được các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tập quán chăn nuôi chó thả rông còn khá phổ biến trên địa bàn tỉnh cũng là nguyên nhân khiến không kiểm soát được chó mèo dại đã cắn, cào vào người dẫn đến tử vong.


Thủy Liên (thực hiện)

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động