Thứ bảy 19/10/2024 11:29

Nâng mức phạt với các hành vi vượt đèn đỏ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn đỏ sẽ là biện pháp nhanh nhất, trực tiếp nhất để tạo ý thức tuân thủ cho người tham gia giao thông phải “dè chừng túi tiền" mà không dám vi phạm.
Nâng mức phạt với các hành vi vượt đèn đỏ

Đề xuất nâng các mức phạt

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng), người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng.

Trong dự thảo Nghị định đã chuyển tới Bộ Tư pháp để thẩm định, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông lên 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, từ 2 - 3 triệu đồng với người điều khiển xe máy. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn bị trừ 3 điểm GPLX.

Tương tự, Bộ Công an cũng đề xuất nâng mức phạt tiền hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, từ 4 - 6 triệu đồng lên 6 - 8 triệu đồng đối với ô tô, từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng lên 2 - 3 triệu đồng đối với xe máy.

Bộ Công an cho biết, từ năm 2020 - 2024, lực lượng công an toàn quốc lập biên bản xử lý gần 14,9 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc hơn 21.036 tỷ đồng. Kết quả phân tích cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông (chiếm trên 90%), trong đó có hành vi vượt đèn đỏ.

Bộ Công an cho hay, trước tình trạng gia tăng các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vượt đèn đỏ, nâng chế tài xử phạt với nhóm hành vi trên là điều cần thiết. Việc này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, bày tỏ sự ủng hộ khi Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn đỏ, nhất là trong bối cảnh giao thông như hiện nay. “Tín hiệu đèn giao thông là kiến thức cơ bản nhất mà mỗi người tham gia giao thông phải biết và chấp hành. Dù vậy, vượt đèn đỏ lại là một trong những lỗi vi phạm dễ bắt gặp nhất, có thể chứng kiến hàng ngày, hàng giờ, vượt đèn đỏ dù chỉ diễn ra trong 1 - 2 giây nhưng hậu quả để lại thì khôn lường” - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm an toàn giao thông, một số chuyên gia góp ý, đối với hành vi vượt đèn đỏ không chỉ dừng lại ở phạt tiền, mà còn phải tập trung vào cả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự, an toàn giao thông; làm kiên trì, lâu dài, toàn xã hội chung tay cùng làm, như đối với việc xử lý lỗi nồng độ cồn.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, từng chứng kiến nhiều trường hợp vượt đèn đỏ, thậm chí bà từng bị một chiếc xe máy phía đối diện "cắt mặt", suýt xảy ra va chạm. Do đó, với đề xuất tăng mức phạt của Bộ Công an, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên nhận định, đây sẽ là biện pháp nhanh nhất, trực tiếp nhất để tạo ý thức tuân thủ cho người tham gia giao thông.

Nâng mức phạt với các hành vi vượt đèn đỏ

Đảm bảo tính răn đe

Song song việc nâng mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở phạt tiền là chưa đủ, mà phải tập trung cả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự, an toàn giao thông. “Xử phạt chỉ ở phần ngọn, cái gốc là xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, để họ hiểu, nhận thấy đó là hành vi không đúng, không thực hiện. Khi đã có ý thức chấp hành, vi phạm theo đó sẽ bị triệt tiêu” - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên đề cập tới điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, một số hành vi vi phạm sẽ được áp dụng hình thức trừ điểm GPLX thay vì tước GPLX. Điển hình như lỗi vượt đèn đỏ, với quy định hiện hành, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Còn theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo, người vi phạm sẽ bị trừ 3 điểm GPLX.

Cũng liên quan đến dự thảo mới nhất quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX. Đáng chú ý, Ban soạn thảo cũng có nội dung đề xuất tăng mức phạt tiền thành từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tổ chức đua xe trái phép.

Đồng thời, tịch thu phương tiện đối với người đua xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp, xe xích lô đua xe trái phép trên đường giao thông; tịch thu phương tiện và trừ toàn bộ 12 điểm GPLX đối với người đua xe ô tô, mô tô trái phép trên đường giao thông. Ngoài ra, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tụ tập để cổ vũ, giúp sức, xúi giục hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép.

1. Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với mô tô, xe gắn máy:

Theo điểm e khoản 4, điểm b khoản 10 Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g khoản 34 Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng.

2. Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với ô tô:

Theo điểm a khoản 5, điểm b, c khoản 11 Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ khoản 34 Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000- 6.000.000 đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng; từ 2- 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Người đi bộ vượt đèn đỏ có bị xử phạt không? Người đi bộ vượt đèn đỏ có bị xử phạt không?

Người đi bộ vượt đèn đỏ có bị xử phạt tiền không là vấn đề được nhiều người tham gia giao thông quan tâm và ...

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động