Nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân của buôn bán người
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng hình thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Và theo các cơ quan chức năng, ai cũng có thể là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, bao gồm cả nam giới và trẻ em trai.
Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tại khu vực đường mòn biên giới, mốc 1227 (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình), Đồn Biên phòng (ĐBP) cửa khẩu Chi Ma phát hiện, bắt giữ Nguyễn Thị Ngọc Trâm (22 tuổi, trú tại Đồng Tháp) và Ngô Duy Khang (28 tuổi, trú tại Long An) đang bế 1 trẻ sơ sinh tìm đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trước đó, Trâm liên hệ được với 1 người phụ nữ đang mang thai nhưng không có khả năng nuôi con và đã thỏa thuận xin nhận nuôi, đồng thời, đưa cho mẹ cháu bé hơn 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh. Nếu đưa bé sang Trung Quốc trót lọt, đối tượng sẽ được nhận 50 triệu đồng.
Các lực lượng chức năng đánh giá, đây là thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người: Tìm phụ nữ có thai ngoài ý muốn, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh hoặc tổ chức các hoạt động mang thai hộ bất hợp pháp. Hoặc tuyển người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hứa giới thiệu việc làm lương cao, sau đó bán cho các chủ tàu khai thác hải sản trên biển nhằm bóc lột sức lao động.
|
Trung tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng chống buôn bán người (05), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết: Nạn nhân bị mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước, bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi lao động, sinh sống từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khoảng 75% số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nguy cơ bị buôn bán của trẻ em ngày càng cao. Nghiên cứu do Coram International thực hiện với sự hợp tác của UNICEF Việt Nam, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và UNICEF Vương Quốc Anh, cho thấy khoảng 5.6% trẻ em ở Việt Nam có nhiều khả năng có các trải nghiệm liên quan đến buôn bán trẻ em. Báo cáo khẳng định rằng trẻ em có nguy cơ bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc, báo cáo cũng chỉ ra rằng một vài khu vực có nguy cơ cao hơn. Buôn bán trẻ em xuất hiện ở trong nhiều ngành nghề khác nhau, và các em gái/nữ thanh niên, các em trai/nam thanh niên đều có nguy cơ như nhau.
Nạn nhân nam giới chủ yếu bị lừa ép ra nước ngoài để cưỡng bức lao động (cưỡng ép làm việc tại hầm mỏ, khai thác khoáng sản, lò gạch) và buôn bán nội tạng... Vì thế, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh mối liên quan giữa lao động di cư, lệ thuộc vì nợ và buôn bán người, đồng thời kêu gọi tiếp tục nỗ lực nhằm tăng cường quản trị di cư lao động và giảm thiểu bóc lột lao động.
Ai cũng có thể là nạn nhân của buôn bán người, và dấu hiệu hoạt động của tội phạm buôn bán người diễn ra ở cả 63 tỉnh thành, nên giáo dục nhận thức cho mọi người rất quan trọng. Không chỉ phụ nữ và trẻ em gái, không chỉ ở địa bàn điểm nóng, giáp biên, mà phương thức, thủ đoạn đánh vào những hứa hẹn “đổi đời” của tội phạm buôn người phải được tuyên truyền cảnh báo đầy đủ đến nhân dân. Cần nỗ lực hơn nữa, cả trong phạm vi quốc gia lẫn trong bối cảnh quốc tế để cùng đấu tranh chống lại vấn nạn này. Chúng ta cần người dân nhận thức được những rủi ro mà họ sẽ gặp phải nếu bị dụ dỗ bởi các băng, nhóm tội phạm nghiêm trọng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại