Mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam 6-6,5% năm 2022 là khả thi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Đại diện của WB cho rằng chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả và Việt Nam vẫn còn tiền để triển khai chính sách này |
Kiểm soát đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo ông Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6-6,5% như đã được đề ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện.
Thứ nhất là kiểm soát tốt đại dịch. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch.
Thứ hai là cải thiện cán cân cung cầu. Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do đó, phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu.
Ông Morisset lý giải, lý do vì sao phía cầu không đạt được mức như cùng kỳ năm ngoái là do kinh tế trong quý III, nhiều người dân đã bị mất việc làm, bị giảm thu nhập và đã cạn sạch tiền tiết kiệm, vì vậy họ không thể tiêu dùng hay mua sắm hàng hóa. Hơn nữa, người dân giờ đây cũng lo lắng hơn về tương lai.
Trên cơ sở đó mà ông Morisset khuyến nghị, chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, với lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020, đồng thời hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã cạn sạch tiết kiệm do đại dịch. Cùng với đó, chính phủ cũng có thể thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu.
Ông Morisset nhận định những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới. Tiếp nữa, là những rủi ro về nội tại kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đặc biệt là liên quan đến vấn đề lạm phát, nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với lạm phát nhập khẩu do giá hàng hóa như giá dầu tăng cao và những ảnh hưởng đối với quá trình lưu chuyển hàng hóa quốc tế, trong khi giá hàng hóa trong nước lại không tăng do cầu vẫn thấp hơn cung. Cuối cùng là việc làm sao để thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới.
Ba động lực tăng trưởng mới
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia Morisset chỉ ra ba động lực tăng trưởng mới. Đầu tiên là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trên thế giới và vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì 80% DN xuất khẩu tại Việt Nam đều là DN có vốn FDI.
Thứ hai là Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh. Trong năm 2020, Việt Nam đã triển khai trợ giá cho năng lượng Mặt Trời và hỗ trợ các DN đầu tư vào năng lượng Mặt Trời. Điều này được thể hiện thông qua việc tổng mức đầu tư của Việt Nam vào năng lượng Mặt Trời trong giai đoạn tháng 1-8-2020 cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia ASEAN hay toàn bộ châu Phi.
Thứ ba là nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy. Ông Morisset tin rằng yếu tố này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
Chuyên gia Morisset nhấn mạnh, trong năm 2022 WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được những tham vọng đã đề ra, đó là trở thành quốc gia có thu nhập cao, thịnh vượng vào năm 2045, cụ thể như:
WB đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc tăng khả năng chịu đựng, giảm ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội. Ngoài ra, WB kỳ vọng sẽ tập trung hơn vào việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế công nghệ cao.
Trong thời gian tới, WB và Việt Nam sẽ ký kết khoản hỗ trợ chính sách trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch; WB cũng hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong các nội dung về phát triển toàn diện, vấn đề giới, để đảm bảo người dân được tham gia vào nền kinh tế, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 và tận dụng các cơ hội trong tương lai.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại