Một số điểm mới trong quy định về điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa: Khánh Huy |
Điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non
Theo đó, Nghị định quy định điều kiện thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục (gọi chung là trường mầm non) như sau:
_ Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.
_ Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục mầm non; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường mầm non.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (UBND cấp huyện) quyết định thành lập trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục.
UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) (nếu đề nghị thành lập trường mầm non công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục) gửi 1 bộ hồ sơ quy định qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến UBND cấp huyện.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì UBND cấp huyện thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; nếu hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND cấp huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non tại hồ sơ; lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định; trình Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nếu đủ điều kiện thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non và nêu rõ lý do.
Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục:
_ Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em theo quy định.
_ Có chương trình giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
_ Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
_ Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục:
Đối với trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
Đối với trường hợp trường mầm non tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định.
Đối với trường mầm non công lập, dân lập, nguồn lực tài chính do cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định.
_ Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Đình chỉ hoạt động giáo dục trường mầm non
Nghị định nêu rõ, trường mầm non bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục.
Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền.
Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục.
Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động giáo dục;
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường mầm non.
Nghị định làm rõ một số loại hình trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên
Nghị định 125/2024/NĐ-CP cũng quy định điều kiện, thẩm quyền, thủ tục thành lập một số loại hình cơ sở giáo dục thường xuyên mới theo quy định của Luật Giáo dục 2019, gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.
Đặc biệt, Nghị định đã làm rõ một số loại hình trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên như sau: trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm ngôn ngữ và văn hóa; trung tâm giáo dục kỹ năng sống; trung tâm bồi dưỡng kiến thức văn hóa, nghệ thuật và các trung tâm khác thực hiện chương trình, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đáp ứng nhu cầu người học.
Đối với trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Nghị định đã đơn giản hóa quy trình thành lập trung tâm (chuyển từ quy trình thành lập trung tâm theo 2 bước thành lập và cho phép hoạt động giáo dục thành quy trình 1 bước để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 65 Luật Giáo dục.
Đối với trường chuyên biệt thì bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thành lập và cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường dự bị đại học; trường năng khiếu nghệ thuật, trường lớp dành cho người khuyết tật để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục (Điều 61 đến Điều 63).
Đối với trường cao đẳng sư phạm: Nghị định điều chỉnh quy định về diện tích đất xây dựng trường cao đẳng sư phạm để thống nhất với điều kiện về diện tích đất xây dựng trường cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sau: “2 ha đối với khu vực đô thị hoặc 4 ha đối với khu vực ngoài đô thị”.
Đối với trường tư thục, để bảo đảm về nguồn vốn của nhà đầu tư khi đăng ký thành lập trường, bổ sung quy định: “Vốn đầu tư xây dựng trường tư thục phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận”.
Huyện Mỹ Đức luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo | |
Hà Nội áp mức thu học phí mới đối với giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2024-2025 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại