Thứ bảy 27/04/2024 12:13
Câu chuyện hòa giải:

Mỗi vụ việc hòa giải không thành công đều để lại những nỗi niềm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong công tác hòa giải, đôi khi những vụ hòa giải không thành lại do nhiều lý do kiểu “trời ơi, đất hỡi”… Và cho dù bất cứ lý do nào, thì câu chuyện hòa giải không thành công luôn để lại những nỗi niềm canh cánh trong lòng các hòa giải viên.

Là một trong những tổ luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao, tổ hòa giải thuộc tổ dân phố Yên Hà, Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) có 7 thành viên, được dẫn đầu bởi hòa giải viên Nguyễn Thị Sang. Trong nhiều năm qua, công tác hòa giải luôn là điểm nhấn của tổ dân phố này. Với 525 hộ, 1976 nhân khẩu, 7 hòa giải viên không phải là nhiều, nhưng với sự vào cuộc tích cực và sự cố gắng của mỗi tổ viên, khi nhìn lại, không ít lần các bác cảm thấy tự hào về thành tích của tổ mình.

Bà Nguyễn Thị Sang, tổ trưởng tổ hòa giải cho biết, những vụ việc của tổ hòa giải Yên Hà đã giải quyết cũng rất đa dạng. Đó là những vụ tranh chấp đất đai, những xích mích bởi đường đi chung, lối đi riêng, là những mâu thuẫn ghen tuông vợ chồng, hoặc cũng có khi chỉ là những vụ nho nhỏ như chuyện trẻ con mất lòng người lớn.

Mỗi vụ việc hòa giải không thành công đều để lại những nỗi niềm
Mỗi vụ việc hòa giải không thành công đều để lại những nỗi niềm. Ảnh minh họa

Các tổ viên trong tổ hòa giải đều nhớ và thỉnh thoảng gặp vợ chồng nhà nọ tình tứ bên nhau. Nhìn vào cuộc sống của vợ chồng ấy bây giờ, mấy ai biết rằng chỉ cách đây 1 năm, hai vợ chồng đã định kéo nhau ra tòa ly dị đến… 2 lần.

Bà Sang kể, đó là một cặp vợ chồng trong cùng tổ dân phố. Hai người lấy nhau trên tinh thần tự nguyện và có hai cô con gái, ngoan ngoãn, đáng yêu. Người vợ làm công nhân, còn chồng thì làm nghề bốc vác tự do. Cuộc sống của họ luôn có mâu thuẫn vì người chồng nghi ngờ, ghen tuông vợ. Anh này ghen tuông đến độ nhiều khi còn bỏ làm, đi đến công ty vợ làm để rình mò, nhằm bắt quả tang vợ hư hỏng.

Chị vợ thì khó chịu vì sự quản lý khắt khe cũng như ghen tuông vô lý của chồng nên đôi khi không giữ được hòa nhã mà cáu bẳn, gắt gỏng. “Có nhiều lần anh chồng còn ra tay đánh vợ đến chảy máu. Đã 2 lần hai vợ chồng tính chuyện đem nhau ra tòa ly dị” – bà Sang kể.

Việc đánh người như vậy rõ ràng là sai, vi phạm luật, bà Sang cũng hiểu. Nhưng ngoài cái lý còn cái tình, có thế nào cũng phải nhìn nhận anh chàng còn rất yêu vợ. Thế nên tổ hòa giải bàn nhau gặp riêng từng người để phân tích cái hay cái dở. Thôi thì đã là phụ nữ thì cố gắng nhẫn nhịn, chồng có yêu thì mới ghen, nên thông cảm cho chồng. Và để tránh chuyện chồng suy nghĩ thì mỗi lần tăng ca hay về muộn thì điện về báo cho chồng một câu. Rồi khi về nhà cố gắng cơm lành canh ngọt. Giờ sống với nhau đã hai mặt con, vợ chồng có chia rẽ thì khổ con khổ cái.

Một mặt, các hòa giải viên gặp riêng người chồng phân tích, người phụ nữ hiện đại chịu rất nhiều áp lực. Ngoài áp lực công việc ở công ty cần phải hoàn thành, còn là áp lực về nhà cửa con cái. Về nhà vợ có cáu gắt, có to tiếng và khó nghe âu cũng là bởi quá mệt mỏi. Vậy phận là chồng thì cố gắng san sẻ việc nhà cho vợ, tránh chuyện động tay động chân để vừa vướng vào pháp luật, lại mất đi tình cảm của vợ con.

Cứ rỉ rả như vậy thế rồi câu chuyện chồng đánh, vợ la cũng ít đi. Với sự giúp đỡ cũng như can thiệp của các thành viên tổ hòa giải, dần dần cuộc sống bình yên quay lại với gia đình họ. “Bây giờ nhìn họ vui vẻ, hạnh phúc, chính chúng tôi cũng cảm thấy vui vẻ và mãn nguyện thay cho họ.” – bà Sang nói.

Trong gần 2 năm nay, khi mà Việt Nam đã có thêm một mùa, đó là mùa… Covid-19 thì tổ dân phố của bà cũng vẫn bình yên. Lũ trẻ ở nhà không phải đi học, thế nhưng được sự dặn dò và quản lý khá sát sao của gia đình nên cũng không còn chạy nhảy để mà xảy ra xô xát dẫn đến mất lòng người lớn. Có chăng với bà, phức tạp nhất vẫn là thời điểm người dân mâu thuẫn, chê trách hoặc ấm ức khi có gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. “Cũng chỉ hỗ trợ mỗi cá nhân có 1 triệu thôi, nhưng người được người không cũng khiến người ta so sánh. Nhưng sau khi có sự phân tích của các thành viên tổ hòa giải, những người chưa được hỗ trợ cũng vui vẻ, không còn thấy bị phân biệt đối xử hay bất công…” – bà Sang cho biết.

Và có lẽ trong các câu chuyện hòa giải của tổ hòa giải Yên Hà, việc khiến các bà rất nhớ, đó là câu chuyện hòa giải chưa có hồi kết giữa vài hộ trong một ngõ phố. Vốn cùng là công nhân trong một xí nghiệp, lại được phân cùng một diện tích, sống cạnh nhau bao nhiêu năm qua nên cũng ít ai để ý đến diện tích nhà này, nhà kia trên sổ đỏ có thay đổi ra sao. Cho đến một ngày, nhà đầu ngõ do có điều kiện nên bán lại mảnh đất được phân và chuyển đi nơi khác. Chuyện sẽ không có gì nếu như không có chuyện 3 năm sau, chủ mới về xây nhà và… chiếm luôn ngõ đi chung. Ầm ĩ cãi nhau một hồi thì chủ sở hữu mới chìa ra cuốn sổ đỏ chứng minh diện tích nhà mình bao gồm cả… lối đi chung.

Và rồi mấy hộ tranh đấu nhau cũng ghê lắm, người thì kiên quyết không cho xây, người thì thuê thương binh đến đe dọa. Tổ hòa giải phải kêu gọi đến cả chính quyền địa phương, công an, các đoàn thể trong tổ dân phố ra để thuyết phục hai bên.

“Sổ đỏ họ có được cấp đúng luật, trong quá trình tìm hiểu còn rõ ra cả việc lúc xin cấp sổ có xác nhận của cả các hộ lân cận về diện tích đất. Hơn nữa có lẽ cô T. (người chủ mới mua) cũng đã nghiên cứu rất kỹ luật, thế nên mua đất mà đến tận hơn 3 năm cô mới đến động thổ, xây nhà…” – bà Sang cho biết. Đến giờ, câu chuyện hòa giải cũng chỉ dừng lại ở chỗ cô T. tạm thời không xây, còn lối đi bà con vẫn sử dụng. “Sau này xử lý thế nào thì cũng chưa biết, vì làm thế nào cũng không ổn cho cả hai bên.”

Và có lẽ, đấy là vụ việc khiến các thành viên cùng bà Sang canh cánh!

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động