Mỗi năm có hơn 900.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMặc dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng những tai nạn thương tích đáng tiếc này vẫn xảy ra trong tích tắc. Chỉ đến khi trẻ lĩnh hậu quả đau lòng thì phụ huynh mới nhói lòng thốt lên: Giá như có thể quay lại được thời gian.
Theo thông tin từ Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: Hiện nay tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích. Trong đó 90% là thương tích không chủ ý; 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%); tiếp đến nhóm tuổi 5-14 (36,9%); thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (19,5%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu.
Tùy từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các loại hình/nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh, nguyên nhân tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ cao nhất là đuối nước, ngã, ngạt, bỏng, tai nạn giao thông và ngộ độc.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, nguyên nhân tai nạn thương tích thường gặp là đuối nước, ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngạt...; với trẻ 10-14 tuổi: Đuối nước và tai nạn giao thông là 2 nguyên nhân hàng đầu. Ở trẻ 15-19 tuổi, tai nạn giao thông nổi lên như là nguyên nhân hàng đầu.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích ở trẻ em, các yếu tố này được chia làm 3 nhóm: Yếu tố con người, yếu tố môi trường và một số yếu tố khác.
Về yếu tố con người, liên quan đến tuổi, giới, nhận thức, hành vi và tình trạng sức khỏe của trẻ. Khi trẻ phát triển, tính tò mò và nhu cầu thử nghiệm của trẻ không thường xuyên phù hợp với năng lực để hiểu biết và phản ứng với nguy hiểm, làm cho trẻ có nguy cơ bị thương tích.
Về yếu tố môi trường, tập trung chủ yếu ở những nơi trẻ em thường dành nhiều thời gian trong cuộc sống, gồm nhà ở, trường học, nơi vui chơi và môi trường xung quanh. Tại gia đình, những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương tích ở trẻ em nếu không được kiểm soát tốt là phòng bếp, phòng khách, nơi cất giữ thuốc, nhà kho và các ao hồ, nơi chứa nước xung quanh gần nhà.
Các đồ vật có thể có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ ở nhà cần lưu ý là các đồ vật nóng như phích nước, nồi đựng thức ăn nóng, vòi nóng lạnh…, hệ thống điện không an toàn, các vật sắc nhọn (dao, kéo..), các hạt, đồ chơi nhỏ (đối với trẻ dưới 5 tuổi), các vật dụng hay nơi chứa nước không có nắp đậy (xô, thùng, bể, giếng nước…), các loại thuốc uống, hóa chất gia dụng, các hóa chất dùng trong nông nghiệp không để đúng nơi quy định. Cách bố trí, sắp xếp trong nhà không gọn gàng cũng có thể gây ra những thương tích cho trẻ.
Để phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo: Tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, các yếu tố nguy cơ theo lứa tuổi của trẻ mà chúng ta có những biện pháp phòng chống tai nạn thương tích phù hợp.
Cần xây dựng “ngôi nhà an toàn” cho trẻ. Trong gia đình cần sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, hợp lý, loại bỏ các yếu tố gây thương tích như phích nước nóng, điện, vật sắc nhọn… để phòng trẻ em tiếp xúc.
Bên cạnh đó, sửa sổ phải có chấn song để trẻ không chui qua được, làm cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang khi có trẻ dưới 6 tuổi, cầu thang phải có lan can chắc chắn với chấn song đảm bảo trẻ không chui qua được hoặc trèo lên; sử dụng gạch chống trơn trượt để lát gạch phòng tắm, lối đi lại trong nhà; sân, cổng, ngõ cần làm bằng phẳng, không trơn trượt.
Không để các đồ vật nhỏ như đồng xu, cúc áo, đồ chơi trong tầm với của trẻ. Lưu ý khi cho trẻ nhỏ ăn các đồ ăn dễ gây nghẹn, dính, thạch, hoa quả có hạt như vải, nhãn Không để trẻ ăn phải thức ăn ôi thiu. Nên có tủ đựng thuốc để ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.
Các chất độc như xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, các chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa và bột giặt để trong kho có khóa để trẻ không tiếp cận được. Nên phát quang xung quanh nhà tránh côn trùng chích, hút trẻ; vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ và phải được tiêm phòng theo đúng quy định...
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là cùng với việc cung cấp môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình thì trẻ luôn cần sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Dạy trẻ về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi ngày có 10 trẻ tử vong do đuối nước Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%). Tình trạng đuối nước ở trẻ lớn được ghi nhận nhiều vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, mùa mưa lũ… Nguyên nhân do cha mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu. Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, mương, máng… Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ... Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước; sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước. Đồng thời, giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông; cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót. |
PV
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại