Mở lại phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo các cơ quan tố tụng, năm 2007, Huyền Như (đang thụ án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”) đã vay tiền của các các nhân, tổ chức với lãi suất cao để “rót” vào kinh doanh bất động sản. Chị ta còn vay của nhiều ngân hàng khác trên 200 tỷ đồng.
HĐXX đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử |
Nhưng việc kinh doanh không “xuôi chèo, mát mái” nên năm 2010, Như vỡ nợ. Để có tiền chi trả, lợi dụng là kiểm soát viên - quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh TP HCM, Như gặp gỡ và giao dịch với đối tượng môi giới, người đại diện của 5 công ty (TMCP đầu tư Hưng Yên, An Lộc, Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) và Phương Đông) hứa chi lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định, chi tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới riêng cho những người đại diện các Cty trên.
Các khoản chi thêm này toàn bộ do Như lấy tiền cá nhân cho trả. Do đó, các Cty trên đồng ý gửi tiền vào ngân hàng này. Khi tiền được chuyển, Như đã lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) tiến hành các thao tác chuyển tiền từ tài khoản khách hàng sang tài khoản của Như, chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty.
Toàn cảnh phiên xử |
Giúp sức cho Như có Võ Anh Tuấn, SN 1972, nguyên cán bộ Văn phòng Vietinbank - Chi nhánh TP HCM. Tuấn đã cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện Công ty Hưng Yên. Tại cuộc gặp này, Tuấn biết Như có hành vi gian dối nhưng vẫn để Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với Cty Hưng Yên, làm công ty này lầm tưởng chi nhánh ngân hàng nơi Tuấn đang phụ trách huy động tiền gửi nên họ đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như. Tuấn được Như “cắt lại” 10 tỷ đồng. Cả hai đã bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khi xét xử phúc thẩm vụ án này, HĐXX phúc thẩm của TAND Tối cao (nay là TAND cấp cao) tại TP HCM nhận định, hành vi chiếm đoạt số tiền trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nói trên có dấu hiệu của tội "Tham ô tài sản".
Do đó, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng.
Đại diện VKSND tại tòa |
Quá trình điều tra lại, CQĐT xác định, có lỗi của 5 Cty khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định Nhà nước, lỗi trong quá trình thực hiện giao dịch gửi tiền vào ngân hàng, lỗi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Như…
Xét cả quá trình từ khi Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, xuyên suốt vụ án là hành vi lừa đảo. Do đó, CQĐT khẳng định không có căn cứ để thay đổi tội danh với bị cáo.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn trong phần thẩm tra căn cước |
9 cá nhân khác, Như đã đề nghị đứng tên gửi tiền giúp nên họ đã giúp. Khi Như vay vốn tại ngân hàng trên, những người này ký hợp đồng vay vốn thế chấp bằng các hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank mang tên họ.
Theo CQĐT, hành vi nêu trên của 9 cá nhân giúp sức cho Như trong việc chiếm đoạt 180 tỷ đồng của ngân hàng trên. Tuy nhiên, về ý thức chủ quan, họ không biết hợp đồng tiền gửi là giả mạo nên chưa đủ căn cứ để xác định là đồng phạm của Như.
Tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tại tòa có 13 luật sư. Trong đó, bào chữa cho bị cáo Như là luật sư Nguyễn Văn Ngoan, Lê Nguyễn Quynh Thi - Đoàn LS TP HCM. Luật sư của Tuấn là ông Phan Trung Hoài, Đoàn LS TP HCM.
Luật sư bào chữa cho Tuấn yêu cầu triệu tập một số người tham gia tố tụng. Ông Hoài cũng kiến nghị tòa triệu tập kiểm sát viên, điều tra viên trong giai đoạn điều tra lại vụ án để làm rõ hành vi của Tuấn. Luật sư cho rằng, cần làm rõ vai trò của một số người trong tư cách nhân chứng.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, những người này chỉ được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Như lời luật sư, một số vụ án của Tuấn đã được xem xét ở bản án trước.
Về yêu cầu này, luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn LS tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Vietinbank cho rằng, Vietinbank đã cử người đại diện tham gia phiên tòa. Việc triệu tập các cán bộ của ngân hàng là không cần thiết. "Không phải cứ ai ký là triệu tập đến tòa" - lời ông Tám.
Luật sư cũng yêu cầu tòa triệu tập ông Nguyễn Hữu Chương, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và thương mại An Lộc (An Lộc); đại diện Cty Chứng khoán Phương Đông để làm rõ các tình tiết.
Về ý kiến của các luật sư, KSV giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, với một số người luật sư đề nghị triệu tập, nếu thấy cần thiết trong quá trình xét xử đề nghị HĐXX triệu tập. Luật sư Hoài yêu cầu triệu tập KSV, đại diện VKSND khẳng định: "Điều này không cần thiết”
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử. Vị chủ tọa cho hay, việc vắng mặt của một người trong đó, bà Nguyễn Thị Minh Hương, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đang nằm viện; ông Nguyễn Đình Sẽ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan,định cư tại Mỹ và có đơn xin vắng mặt.
HĐXX cho biết, sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xem xét của tòa. Còn luật sư kiến nghị về việc mời các ĐTV, KSV, chủ tọa công bố, việc này không cần thiết. Vấn đề triệu tập một số người đến phiên tòa, thay đổi tư cách tham gia tố tụng, tòa sẽ xem xét trong quá trình xét xử vụ án.
Dự kiến, HĐXX làm việc từ ngày 8 đến 12-2-2018.
Ngay từ sáng sớm, an ninh phiên tòa đã được thắt chặt. Cảnh sát được bố trí quanh phòng xử. Các phóng viên tác nghiệp, theo dõi phiên xử qua màn hình tivi.
|
Liên quan đến giai đoạn 2 của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, có một số bị cáo là cán bộ ngân hàng Navibank sẽ bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo này đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho nhân viên Navibank đi gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để hưởng lãi suất cao và sau đó bị Huyền Như chiếm đoạt. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại