Thứ sáu 21/06/2024 12:51

Mang thai hộ có được hưởng bảo hiểm thai sản?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 1 trong 45 bệnh viện hỗ trợ sinh sản cho các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.	Ảnh: BVCC
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 1 trong 45 bệnh viện hỗ trợ sinh sản cho các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ảnh: BVCC

Vì mục đích nhân đạo

Chính bởi thế, quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một chính sách nhân văn, góp phần đem lại hạnh phúc vẹn đầy cho nhiều gia đình. Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mang thai hộ bao gồm mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo quy định tại khoản 22, 23 Điều 3 Luật này thì “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Còn “mang thai hộ vì mục đích thương mại” là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện sau: có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này; tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 2 năm. Theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì thỏa thuận về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được lập thành văn bản có công chứng.

Quy định về bảo hiểm thai sản

Vậy mang thai hộ có được hưởng bảo hiểm thai sản hay không là câu hỏi của nhiều người. Về việc này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 có quy định rất rõ về điều kiện hưởng chế độ thai sản. Cụ thể, tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 31 quy định người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Tại Điều 35 Luật BHXH 2014 có quy định về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Cụ thể, lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Chính phủ quy định chi tiết chế độ thai sản, thủ tục hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. “Như vậy, người mẹ nhờ người khác mang thai hộ có thể được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng điều kiện theo quy định trên và được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết.

Phá đường dây mang thai hộ do hai chị em ruột tổ chức với giá lên đến hàng tỷ đồng
Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý thế nào?
Mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động