Chủ nhật 12/05/2024 22:37

Mạn đàm câu chuyện về truyện tranh "hóa" truyện cổ tích, tác phẩm văn học nổi tiếng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hiện nay trên thị trường sách xuất hiện không ít cuốn truyện tranh được chuyển hóa từ những truyện cổ tích, tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam.


Có thể đối với nhiều người đây là một hướng đi mới và thực sự "tốt" không chỉ cho sự phát triển của truyện cổ tích, những tác phẩm văn học Việt Nam mà còn cho tương lai của truyện tranh Việt Nam nước nhà. Nhưng có người lại nghĩ rằng, cái "tốt" chưa thấy đâu, mà cái "xấu" đã đầy rẫy…



Cái lợi cho truyền thống

Hơn một thế kỷ qua, truyện tranh chuyển ngữ từ nước ngoài như "Thám tử Conan", "Đôrêmon", "Nữ hoàng Ai Cập"... luôn chiếm ưu thế "áp đảo" so với truyện tranh trong nước như "Thần đồng Đất Việt", "Cô tiên xanh"... Gần đây, thị trường truyện tranh thuần Việt khởi sắc hơn nhờ có thêm bộ truyện chuyển thể từ các tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng. Cty thực hiện bộ truyện tranh "Thần đồng Đất Việt" đã táo bạo chọn các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 để chuyển thể thành truyện tranh như "Chí Phèo" (1 tập), "Tắt đèn" (2 tập), "Giông tố" (6 tập) và mới đây nhất là tác phẩm "Chiếc lược ngà" (dự kiến sẽ ra mắt vào tháng sau). Việc chuyển thể tác phẩm văn học trong nước thành truyện tranh đang tạo nên tranh luận trong cộng đồng người đọc. Bạn Mạnh Thắng, 16 tuổi, chia sẻ: "Nhiều suy nghĩ, nội tâm của nhân vật qua câu chữ khó mà cảm được, nhưng khi được minh họa bằng hình ảnh, những chi tiết thấm vào người đọc dễ dàng hơn và khi làm bài thi em cũng nhớ dẫn chứng nhiều hơn". Cụ thể hơn, bạn có nickname Kibobo, thành viên diễn đàn truyện tranh nêu ví dụ, trong truyện "Chiếc lược ngà", việc khắc họa hình ảnh, cá tính bướng bỉnh của bé Thu vốn rất phức tạp, nhưng qua truyện tranh, dù không cần một lời chú thích, bạn đã hiểu rất nhanh. Điều này góp phần giảm thiểu những "bài văn thảm họa" trong học đường do những cô cậu học trò viết bằng "niềm tin" và áp đặt vô căn cứ niềm tin đó vào nhân vật.

Chị Thanh Loan, nhà ở quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết, chị bị cuốn hút vào quyển truyện tranh "Chiếc lược ngà" ngay từ những trang đầu tiên. Những dòng hội thoại khi dí dỏm, khi sâu sắc, cộng với nét vẽ giàu cảm xúc đã khiến chị khóc cười theo nhân vật. Chị nói: "Chiếc lược ngà đã sống lại một lần nữa nhờ tinh thần trẻ trung, đáng yêu của thế hệ trẻ ngày nay. Kì thi Đại học năm nào cũng có những bài văn dở khóc dở cười do các bạn trẻ không nhớ được cốt truyện cũng như nhân vật trong các tác phẩm văn học. Việc "truyện tranh hóa" này ít nhiều cũng giúp các bạn hiểu về tác phẩm hơn nhờ vào một hình thức thu hút, nhiều tranh, ít chữ thế này".

Trước các tác phẩm "Chí Phèo", "Chị Dậu", "mở hàng" cho trào lưu "truyện tranh hóa" này là loạt truyện tranh dài kỳ dành cho tuổi mới lớn của nhà văn "best seller" Nguyễn Nhật Ánh: "Bồ câu không đưa thư", "Trước vòng chung kết", "Nữ sinh"...

Khi xã hội đang ngày càng phát triển, các ông bố bà mẹ phải tất bật với những công việc ngoài xã hội ít có điều kiện quan tâm chăm sóc con cái chứ đừng nói tới việc kể chuyện cổ tích, tác phẩm văn học cho chúng nghe. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều gia đình phải đổ vỡ khi các người lớn đổ lỗi cho nhau về con cái của mình đã hư hỏng thế nào, rồi các tệ nạn xã hội thì ngày càng leo thang. Các vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay đang làm đau đầu các cấp chính quyền cũng như các bậc phụ huynh và một trong những biện pháp để cải thiện đạo đức chính là đưa những tác phẩm đầy tính nhân văn, dạy đạo làm người đến gần với những mầm non của đất nước. Đó là cái lợi của việc chuyển hóa truyện cổ tích, tác phẩm văn học Việt Nam thành truyện tranh.


Hiện đại… hại trẻ

Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình cũng còn không ít những lo ngại với xu thế này. Nhiều "fan" của manga (truyện tranh) cho rằng các họa sĩ đã "Nhật hóa" danh tác Việt chứ không làm truyện tranh hóa theo đúng nghĩa thuần Việt. Nếu không nhìn vào nội dung, độc giả dễ bị nhầm lẫn đây là một bộ truyện "made in Japan". Một chị Dậu trẻ trung, đẹp long lanh như nữ sinh Ran Mori trong "Thám tử Conan", một Chí Phèo có phần giống cướp biển phương Tây... tất cả quá xa lạ với hình ảnh người nông dân lam lũ, chân thật mà các tác giả văn học hiện thực dày công chuyển tải. Nickname Kakalot nói vui trên một diễn đàn truyện tranh: "Có lẽ các tác giả văn học hiện thực không ngờ rằng đứa con tinh thần của mình lại bị "biến dạng" đến như vậy...". Một khía cạnh khác dẫn đến tranh cãi là ngôn từ, nghệ thuật dẫn chuyện,... khi lên tranh buộc phải cắt lược. Độc giả cảm thấy hụt hẫng khi không nhận ra "bút tích" thâm thúy, mỉa mai, trào phúng của các bậc thầy về ngôn ngữ như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Cô Linh Hương, giáo viên trường PTDL Nguyễn Siêu cho biết: "Trong truyện tranh "Giông tố", có khá nhiều chi tiết không phù hợp với giai đoạn, chẳng hạn như cô Mịch sống thời đó mà lại mặc áo khoác phao đi khám bệnh. Thêm nữa, truyện nguyên tác thành công là nhờ lối viết giàu cảm xúc, mà khi chuyển tải thành truyện tranh trở thành những câu đơn vô hồn khiến dòng cảm xúc cũng bị cắt đứt. Giống như truyện "Harry Porter", những ai đã đọc truyện thì sẽ không thích xem phim, và những ai đã xem phim thì không nên đọc truyện nữa, trong trường hợp này cũng vậy".

Cùng chung cảnh ngộ với những tác phẩm văn học bị truyện tranh hóa, trong khâu "hiện đại hóa" truyện cổ tích, một đơn vị xuất bản khác đã cắt bỏ những câu hát đặc trưng của cổ tích như: "Thị ơi, thị rơi bị bà" hoặc "Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta"… Đây là những câu văn có vần điệu làm nên sức quyến rũ đặc biệt của truyện cổ tích Việt Nam so với cổ tích thế giới, đã ăn sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ. Việc bị cắt bỏ không thương tiếc này trong bộ truyện cổ tích có tên "Búp bê" (NXB Tổng hợp Đồng Nai) cũng là điều đáng bàn. Nhưng còn nguy hại hơn là một số truyện tranh cổ tích Việt Nam được "hiện đại hóa" bởi Cty Truyện tranh Artsign phối hợp với NXB Giáo dục và Cty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam xuất bản tháng 5-2011. Đầu tiên là việc cố tình đưa thêm những chi tiết không có trong truyện cổ tích từ xưa đến nay qua những câu thoại có phần… ngớ ngẩn. Kiểu như, khi Mai An Tiêm động viên vợ thì vợ anh bảo: "Anh nói đó nha" (Sự tích quả dưa hấu). Tiếp đó là bịa ra chi tiết Mai An Tiêm bắn voi, vợ anh thì dùng sắc đẹp dụ dỗ cá, còn con An Tiêm thì chơi với hổ "để chừng nào chán thì cho mẹ nấu cà ri"…

Thạc sĩ tâm lý học Linh Trang, Trường Cán bộ TP.HCM cho biết: "Những câu chuyện cho học sinh thường có ngôn ngữ, lời thoại lặp đi lặp lại và có vần điệu để trẻ dễ nhớ, dễ thuộc và làm theo. Tôi nghĩ, sách viết cho trẻ cần nhã nhặn về ngôn ngữ, phải dạy trẻ lịch sự, lễ phép". Nhà văn Nguyễn Trí Công, tác giả nhiều đầu sách thiếu nhi và là biên tập viên NXB Trẻ khẳng định: "Không bao giờ được viết những chi tiết có màu sắc bạo lực và nặng nề, vì điều đó ảnh hưởng một cách vô thức đến hành động của trẻ. Khi biên tập, kể cả truyện cổ tích, tôi cũng cắt bỏ những chi tiết bạo lực và trả thù".

Dù các ý kiến vẫn trái chiều nhau, nhưng truyện tranh văn học vẫn là một món ăn tinh thần mới lạ đang thu hút teen Việt. Không thể phủ nhận, truyện tranh hóa là phương thức giúp thay đổi thói quen tiếp cận tác phẩm văn học của thế hệ trẻ, khơi dậy niềm đam mê văn học của các em, "thay da đổi thịt" cho văn học truyền thống vốn "khó nhằn" với các teen. Vậy nên hơn lúc nào hết, các nhà xuất bản phải có trách nhiệm hơn với những gì mình đã làm ra. Nhưng điều quan trọng hơn là các cơ quan quản lý cần có những biện pháp mạnh tay để "định hướng" lại hoạt động "phóng tác" truyện tranh còn nhiều bất cập hiện nay, để truyện tranh mang lại giá trị giáo dục thực sự và trở thành "cẩm nang" gối đầu giường của mọi thế hệ "tuổi thơ"…


Trí Dũng

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động