Thứ hai 25/11/2024 13:32
Nghệ nhân ưu tú của làng tò he duy nhất Việt Nam:

Luôn trăn trở để làm ra những sản phẩm an toàn, giữ hồn cốt của tò he cổ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Như bao đứa trẻ khác của làng Xuân La, khi sinh ra, lớn lên đã ngập trong các sắc màu rực rỡ của “đất nặn” bằng bột nếp, nhưng điều khác biệt là cậu bé Nguyễn Văn Thành đã say mê, đắm mình vào những hình thù ngộ nghĩnh, đầy sức cuốn hút của mỗi sản phẩm…

Niềm đam mê ấy lớn dần lên theo năm tháng, thôi thúc anh-nghệ nhân ưu tú quốc gia Nguyễn Văn Thành (Chủ nhiệm Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he duy nhất Việt Nam tại thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, đưa sản phẩm ngày càng hoàn thiện đến mức độ tinh xảo.

Nghệ thuật dân gian kết tinh từ hạt gạo

Chia sẻ về nghề tò he truyền thống và duy nhất tại Việt Nam, nghệ nhân Thành cho biết: Làng Xuân La xưa kia vốn có 3 nghề phụ nổi tiếng, trong đó có “bánh chim cò”- tên gọi cổ của nghề tò he. Không biết chính xác nghề có từ khi nào nhưng từ thời cụ truyền lại cho thời ông bà đều đã có nghề làm tò he. Tính thời gian thì nghề có khoảng cách đây trên 300-400 năm trở về trước.

Điểm độc đáo của nghệ thuật nặn tò he là trình diễn nghệ thuật tại chỗ, mang tính thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật rất cao đáp ứng trực tiếp nhu cầu người chơi-mọi người có thể trực tiếp trải nghiệm tạo ra sản phẩm. “Khi tôi tham gia trình cùng đoàn trình diễn tại Thái Lan và Trung Quốc thì đã đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc với khách quốc tế và nghệ nhân ASEAN trong vấn đề tham gia trình diễn và trực tiếp theo yêu cầu của nghệ nhân đưa ra; khách thích và trân trọng nét đẹp văn hoá truyền thống tò he Việt Nam”, nghệ nhân Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, nguyên liệu tạo nên sản phẩm cũng là nét đặc trưng của tò he. Được làm từ bột gạo nếp-thứ nguyên liệu rất gần gũi với người dân lao động, cùng những loại rau/củ/quả tạo màu, tò he là đồ chơi dân gian truyền thống đặc sắc, đảm bảo an toàn. So với những đồ chơi nhập ngoại hiện nay-nhất là đồ chơi từ Trung Quốc, không đảm bảo an toàn, độc hại hoặc mang tính bạo lực… thì tò he vẫn đủ sức cạnh tranh. Nghệ nhân Thành khẳng định: “Tò he vẫn có sức thu hút rất đặc biệt vì đại diện cho nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Đây là một trong những đồ chơi dân gian truyền thống, nguyên liệu rất thân quen, người chơi có thể cùng trải nghiệm”.

do choi truyen thong van dung vung
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành.

Khôi phục thành công “bánh chim cò”

Nghệ nhân Thành có tuổi đời chưa đầy 40 năm nhưng anh đã có quãng thời gian gần tương đương sống, gắn bó với tò he. Ngay từ khi sinh ra, lớn lên tầm 3-5 tuổi anh đã bắt đầu nặn tò he và tạo nên những sản phẩm của riêng mình.

“Tôi vinh dự được sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống, đồng thời cũng là một trong những người được các thế hệ trước truyền nghề lại. Từ khi mới là cậu bé 3 đến 5 tuổi tôi đã được ông, bố mẹ dạy cho cách nặn tò he. Đến năm 15 tuổi (năm 1993) tôi đã bắt đầu hành nghề phục vụ du khách. Thường xuyên nữa là năm 1997 khi là sinh viên Học viện Thanh thiếu nhi Việt Nam cứ sau buổi học thì chiều tôi tranh thủ đi làm”, Nghệ nhân Thành nhớ lại.

Tuy nhiên, không chỉ hành nghề, biểu diễn nghệ thuật tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh mà từ niềm say mê với những sắc màu, niềm vui khi tạo ra được sản phẩm tinh xảo anh Thành đã luôn luôn tìm tòi, nghiên cứu để sản phẩm của mình ngày càng đẹp hơn, phong phú hơn. Suốt hơn 30 năm kể từ khi chạm tay vào nguyên liệu để tạo nên sản phẩm đầu tiên, đến nay Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành chưa khi nào ngừng tìm tòi, sáng tạo và nâng tầm nghệ thuật cho những tác phẩm của mình.

Đặc biệt, với khát khao khôi phục lại những sản phẩm tò he cổ (bánh chim cò), Nghệ nhân Thành là người đầu tiên và duy nhất khôi phục được tò he cổ-“tò he hấp” theo truyền thống cổ. Sau khi nặn xong, tò he được cho vào hấp cách thuỷ, sấy khô. Tò he hấp sẽ lưu được lâu hơn. Các mẫu tò he cổ cũng được phục dựng như 12 con giáp, các nhân vật truyền thống như chú cuội, chị hằng, chú tễu, các anh hùng trong tuồng, chèo; cỗ hoa cổ trang trí nhiều loại hoa có 12 con giáp xung quanh, mâm pháo, mâm ngũ quả…

Luôn luôn mong muốn duy trì tò he truyền thống, trong các lần sinh hoạt câu lạc bộ, Nghệ nhân Thành đã truyền lại cách thức làm cổ xưa trong việc sử dụng nguyên liệu tạo màu sắc từ rau, củ, quả. Đồng thời các hội viên cùng nhau nghiên cứu, sáng tạo ra những màu sắc đẹp hơn, đa dạng hơn, có độ bền hơn. Phối hợp truyền thống và hiện đại, các nghệ nhân đã phối hợp màu thực phẩm cho sinh động hơn. Điều khiến Nghệ nhân Thành luôn đau đáu là làm sao để tò he đảm bảo an toàn nhất, lành mạnh nhất. “Nguyên liệu hiện nay đã an toàn rồi nhưng cần nghiên cứu làm sao để an toàn hơn nữa, sản phẩm tạo ra không chỉ hiện đại mà phải đảm bảo được những nét cổ xưa của tò he cổ”.

Từ một làng nghề nhỏ ở vùng quê Bắc Bộ, nghệ thuật tò he đã được đông đảo người dân khắp mọi miền đất nước cũng như du khách nước ngoài biết đến. Có được điều đó nhờ những nghệ nhân của làng nghề nói chung và nghệ nhân Thành nói riêng luôn say mê, gắn bó, trăn trở với nghề; luôn khát khao quảng bá nét đẹp văn hoá dân gian đặc trưng của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Hiện nay, làng nghề tò he Xuân La có khoảng trên 300 người thường xuyên đi hành nghề khắp các tỉnh, TP trên cả nước.

Câu lạc bộ đang phối hợp với các ngành, các cấp từng bước đưa nét đẹp văn hoá tò he vào trường học. Nếu có sự quan tâm hỗ trợ đắc lực của ngành giáo dục đưa tò he vào chương trình ngoại khoá của trường thì sẽ duy trì được nét đẹp văn hoá của làng tò hè Xuân La; đồng thời hỗ trợ cho nghệ nhân có được thu nhập thường xuyên, nghệ nhân Thành chia sẻ.

Những đam mê, tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật tò he của nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã được nhận những thành quả xứng đáng: Năm 2011 nghệ nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy Khen; năm 2013 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Năm 2014 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng Bằng Khen; năm 2015 được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú Việt Nam.
Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động