Luật Báo chí và yêu cầu "giấy phép con" của bà Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững quy định trong Luật Báo chí mới mà Chủ tịch nước vừa công bố là rất rõ ràng và các yêu cầu đối với các cơ quan chức năng cũng rất cụ thể. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc để báo chí phát triển và nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về báo chí.
Trong đó, Luật Báo chí nêu rõ một trong các quyền của nhà báo: "Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật".
Luật rõ ràng thế, nhưng khi tác nghiệp báo chí tại UBND quận Hà Đông, PV lại bị "vướng" bởi... "lệ riêng" của đơn vị này.
Cụ thể, ngày 31/3, PV Phapluatxahoi.vn đến UBND quận liên hệ công tác, tìm hiểu vụ việc hơn 200 hộ gia đình ở phường Quang Trung, quận Hà Đông gần 20 năm qua chưa có nhà văn hoá. Trước đó, Phapluatxahoi.vn đã đăng tải bài viết phản ánh.
PV gặp bà Đoàn Thị Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận, xuất trình thẻ nhà báo và thông tin nội dung làm việc, để liên hệ làm việc với Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) và Phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) của quận.
Bà Hà cởi mở trao đổi vài thông tin liên quan đến vụ việc. Còn các hồ sơ, tài liệu liên quan thì bà Hà nói PV phải trao đổi với phòng ban chuyên môn. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được làm việc với Phòng QLĐT và TNMT thì bà Hà lại yêu cầu PV phải có giấy giới thiệu (GGT) để bà Hà ký nháy vào đó thì mới làm việc với các phòng ban chuyên môn kia được. Khi PV thông báo không mang theo GGT thì bà Hà tỏ vẻ khó chịu.
Khi xuất trình thẻ nhà báo, có thể không cần "giấy phép con" là GGT
PV đề xuất giải pháp khắc phục tạm thời là sử dụng giấy giới thiệu của UBND quận Hà Đông, hoặc PV viết nội dung lên tờ giấy trắng rồi bà Hà ký nháy, nhưng bà Hà không đồng ý. Bà Hà cho PV số điện thoại của lãnh đạo các phòng ban để PV tự liên hệ.
Khi PV gặp Trưởng phòng TNMT và Trưởng phòng QLĐT, cả hai vị này đều chối đây đẩy ngay từ đầu rằng không có giấy giới thiệu thì không làm việc, vì đây là... quy định cơ quan. "Năn nỉ" một hồi, không xong. PV giải thích quy định riêng của cơ quan không thể lớn hơn Luật Báo chí, vẫn không được.
Sau đó, PV phải gọi điện nhờ Chánh văn phòng quận gọi điện cho lãnh đạo 2 Phòng để "xin" cho PV được làm việc. Hai vị lãnh đạo Phòng sau đó miễn cưỡng trao đổi vài thông tin với PV, còn đa số những thông tin và hồ sơ, tài liệu PV cần, thì được hẹn vào hôm khác. Đến nay, sau nhiều ngày, PV chưa được bố trí làm việc, cung cấp tài liệu theo các lời hẹn.
Ấn tượng đầu tiên của PV khi đến UBND quận Hà Đông đó là một công sở to đẹp, văn minh, hiện đại. Những cán bộ mà PV đã tiếp xúc cũng đều lịch sự (trừ thái độ khó chịu của bà Chánh văn phòng quận khi hỏi về GGT của PV). Tuy nhiên, việc đòi hỏi PV phải có GGT dù đã xuất trình thẻ nhà báo, là trái Luật Báo chí. Quy định riêng của UBND quận Hà Đông như các lãnh đạo phòng ban nói, chỉ là quy định nội bộ, không thể "đè" lên Luật Báo chí.
Nếu PV không liên lạc qua điện thoại với bà Chánh văn phòng được, chắc hẳn 2 vị lãnh đạo phòng đã từ chối làm việc. Và ngay cả trường hợp Chánh văn phòng nghe điện thoại, thì cũng làm mất thời gian của tất cả các bên.
Thiết nghĩ, văn phòng UBND quận Hà Đông nên chuẩn bị sẵn GGT hay loại giấy tờ tương tự để sử dụng trong các trường hợp PV đến làm việc không mang theo GGT mà chỉ xuất trình Thẻ nhà báo theo Luật Báo chí. Nếu như vậy, bà Chánh văn phòng sẽ khỏi phải khó chịu, các phòng ban không phải miễn cưỡng gặp PV và PV cũng thuận tiện trong quá trình tác nghiệp.
Trích Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017:
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
Quang Khởi / PLXH

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại