Lộ trình thu phí vỉa hè của Hà Nội sẽ tiến hành thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVỉa hè trở thành điểm trông xe tự phát trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Khi vỉa hè bị lạm dụng
Từ lâu nay, thay vì là nơi dành cho người đi bộ, vỉa hè Hà Nội đã trở thành bãi đỗ xe, nơi buôn bán hàng ăn. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ soạn thảo đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn toàn TP. Tổ soạn thảo gồm 36 người, trong đó có đại diện 11 Sở, ngành và các quận, huyện.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay toàn bộ đề án đang được dự thảo và lấy ý kiến của thành viên tổ soạn thảo, cũng như quận, huyện. Thời gian tới, tổ soạn thảo sẽ báo cáo TP và có thông tin cụ thể nội dung đề án, nguyên tắc tổ chức quản lý vỉa hè, lòng đường.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề rất phức tạp và cần nghiên cứu cụ thể. Đề án liên quan từng tuyến phố, từng địa phương, từng quận huyện, trong khi mỗi nơi có tính chất và đặc thù khác nhau.
Do đó, ban soạn thảo sẽ lên đề cương và thống nhất nguyên tắc chung khi soạn thảo. Sau khi báo cáo và được Thành ủy, UBND TP Hà Nội thông qua, tổ soạn thảo mới tính toán tiếp về thời gian, tiến độ cụ thể để triển khai đề án này.
Sở Xây dựng đang hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè trên cơ sở 3 nguyên tắc: thứ nhất, lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông; thứ hai, hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp bố trí hệ thống hạ tầng đô thị theo dọc tuyến; thứ ba, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận sử dụng đúng mục đích, đúng phạm vi cho phép.
Dự kiến, Sở Xây dựng sẽ trình Ban Cán sự Đảng bộ TP về đề án quản lý, thu phí vỉa hè vào quý 2 năm nay. Sau đó là quy trình để các cấp có thẩm quyền thông qua.
Trước đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập đề án thí điểm sử dụng tạm thời một phần hè phố để kinh doanh trình UBND TP phê duyệt. Trong đó, phải đảm bảo các yêu cầu: chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m; việc kinh doanh phải được xác định cụ thể loại hình (ăn uống, giải khát...) và thời gian được phép kinh doanh (ban ngày, ban đêm, khung giờ cụ thể). Kinh phí thực hiện đề án do ngân sách TP cấp. UBND TP Hà Nội cũng khuyến khích mọi hình thức xã hội hóa việc đầu tư, sửa chữa hè phố theo hướng dẫn của UBND cấp huyện về mẫu thiết kế.
Hiệu quả từ những thí điểm?
Về việc thí điểm cho thuê vỉa hè tại các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Quận Hoàn Kiếm đã có đề xuất thí điểm giai đoạn 1 cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Theo đó trong giai đoạn 1 sẽ thí điểm thêm 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ (nhằm phục vụ người dân trong không gian đi bộ và hạn chế các vi phạm về hàng rong trong không gian đi bộ).
Đồng thời, thí điểm 21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m; chỉ cho các chủ nhà công trình mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh.
Giai đoạn 2, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung các tuyến phố cho thuê vỉa hè tại khu vực phố cổ Hà Nội. Đó là một số tuyến phố giáp chợ, không là trục giao thông chính, vỉa hè đủ rộng từ 3m trở lên. Các hộ mặt phố được thuê hè để kinh doanh với bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ (đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè).
Tuy nhiên, đề xuất này của quận chưa được TP chấp thuận. Thay vào đó, Hà Nội giao Sở Xây dựng là đơn vị trực tiếp xây dựng đề án quản lý vỉa hè để áp dụng chung cho các quận nội thành.
Tại phiên họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho hay, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè. Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị.
Trong đó, sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2,5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện. Thống kê của TP Hà Nội cho thấy, có khoảng 6,2% tuyến đường còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, khoảng 22,4% tuyến phố có tình trạng hè phố bị khai thác, sử dụng trái phép để kinh doanh hoặc trông giữ xe.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội tại kỳ họp cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, đánh giá tình trạng lấn chiếm vỉa hè chưa được giải quyết triệt để do đây là nguồn thu nhập chính của bộ phận không nhỏ người dân gắn với kinh doanh trên hè phố, quen thuộc với văn hóa vỉa hè.
Đồng thời, nhu cầu dừng đỗ phương tiện cá nhân bao gồm ô tô của người dân rất lớn, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng. Việc này dẫn đến tình trạng phương tiện đỗ, dừng không đúng nơi quy định. Vì thế, cần tính toán bến đỗ, tuyến đỗ và giải bài toán kinh tế của các hộ dân gắn với bảo đảm văn minh đô thị.
Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai: Vỉa hè lại bị “băm nát” | |
Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về tiến độ cải tạo chung cư cũ và thu phí vỉa hè |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại