Lê Dơn - Nơi gìn giữ nét đẹp truyền thống của áo dài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐi từ “bước đệm nhỏ” để có được “thành công lớn”
Nằm trên tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh – tuyến đường bao biển đẹp nhất miền Bắc đối diện với hai công trình kiến trúc nghệ thuật và cũng là điểm du lịch hấp dẫn tại vùng đất mỏ, nơi đây có công ty áo dài đã tồn tại hơn 30 năm. Chủ Công ty vừa là nhà may vừa là nhà thiết kế có cái tên rất mộc mạc và giản dị đó là Đinh Thị Lê Dơn.
NTK áo dài Lê Dơn kể về chặng đường làm nghề của mình |
Người phụ nữ sinh năm 1969 lớn lên trong một gia đình theo đạo thiên chúa giáo có truyền thống làm nghề may áo dài. Từ nhỏ đã vô cùng yêu thích áo dài truyền thống và nuôi dưỡng đam mê được trở thành nhà thiết kế cùng những tác phẩm để đời.
Vừa tốt nghiệp lớp 12, bà Đinh Thị Lê Dơn đã xin gia đình vào TP Hồ Chí Minh để học thiết kế áo dài. Vào đến Sài Gòn, bà Dơn cảm nhận được không khí tan trường vui tươi của học sinh trong tà áo dài trắng ngây thơ, đồng thời bà còn nhìn người dân đi lễ chùa đa phần đều mặc áo dài. Điều này càng khơi gợi niềm say mê và tinh thần ham học hỏi về trang phục truyền thống của dân tộc trong bà. Cùng với đó bà Dơn mong muốn phát triển tính phổ cập ứng dụng áo dài trong mọi hoàn cảnh từ công việc cơ quan, gia đình, lễ nghi,..v..v
Suốt nhiều năm gắn bó trong nghề từ lúc còn là một tiệm may nhỏ không ai biết tới đến khi phát triển thành lập Công ty CP và Thương mại dịch vụ mang thương hiệu Lê Dơn được các chị em phụ nữ “chọn mặt gửi vàng” để đặt may và thiết kế cho mình những bộ áo dài vào những dịp quan trọng.
Nghĩ lại khoảng thời gian mới bắt đầu thành lập công ty nhà thiết kế gặp không ít khó khăn khi phương tiện đi lại lúc bấy giờ còn hạn chế, tính chất công việc phải đi lại nhiều để học hỏi và tìm kiếm những mẫu mã mới nhằm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nên thời gian dành cho gia đình cũng bị giảm đi ít nhiều.
“Mọi thứ ban đầu rất vất vả, tôi phải tự tìm hiểu, đi đó đây, mày mò... từ khâu lựa chọn vải đến thiết kế hoàn thiện sản phẩm một cách chỉn chu và ưng ý nhất. Những ngày đầu tuy vất vả nhưng thực sự đáng nhớ đối với tôi. Nhiều cung bậc cảm xúc cho công việc, khi đó tôi mới thực sự hiểu vì sao ông ngoại và bố tôi lại dành trọn cuộc đời với nghề may áo dài”, bà Lê Dơn tâm sự.
Giờ đây khi có trong tay cả một thương hiệu lớn với hàng trăm hàng ngàn bộ sưu tập áo dài cùng nhiều mẫu mã kiểu cách khác nhau được ra mắt nhưng đối với nhà thiết kế Lê Dơn chỉ có duy nhất ba bộ áo dài đặc biệt ấn tượng nhất trong sự nghiệp thiết kế của mình.
Nhà thiết kế Lê Dơn chia sẻ: “Nếu mà nói về ba bộ áo dài đó thì phải kể đến bộ áo dài thứ nhất là vào những năm 98 khi tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc thi hoa hậu, lúc đó tôi đã may bộ áo dài đính kết cho Hoa hậu Nguyễn Thị Hà trong đêm đăng quang ngôi vị cao nhất lúc bấy giờ. Bộ thứ hai là may cho bạn Hiền là MC của Cục Hải quan, còn bộ cuối cùng là cách đây mấy năm tôi may mắn được phục vụ may và thiết kế áo dài cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến công tác xuống dưới đây, bác Ngân rất thích, hài lòng về bộ áo dài đó và tôi thấy bác mặc nhiều lần trên sóng truyền hình, tôi cảm thấy rất là vinh dự và xúc động”.
Luôn tìm tòi, sáng tạo
Ở mỗi thời kỳ, chiếc áo dài lại có những thay đổi, cách tân nhưng về cơ bản vẫn giữ được dáng áo truyền thống mềm mại, duyên dáng. Nếu trước đây, chiếc áo dài chỉ được may đơn giản bằng những mảnh vải một màu và có chiều dài vừa tới đầu gối, ống tay dài, cổ cao truyền thống thì hiện nay độ dài của áo thường tới mũi chân, tà áo rộng, tay có thể dài nhưng cũng có thể may lửng hoặc ngắn tùy theo yêu cầu; cổ áo không nhất nhất là cổ dựng cao mà nhiều người còn yêu thích dáng cổ tròn hoặc cổ thuyền...
Những mẫu mã thiết kế được ưu chuộng nhất |
Thị hiếu đa dạng, áo dài hiện nay vì thế cũng rất phong phú về mẫu mã, màu sắc, hoa văn, kiểu cách từ truyền thống đến tân thời. Để thu hút khách hàng đến với tiệm mình, người thợ phải luôn cập nhật nhanh các kiểu dáng, họa tiết, phụ kiện trang trí đang thịnh hành.
Công việc này không chỉ là sự công phu, mà còn đòi hỏi người thợ may phải có niềm đam mê, sự tinh tế, sáng tạo để thiết kế ra được những tà áo dài vừa truyền thống, kín đáo, thanh lịch nhưng vẫn rất hiện đại, thời thượng và khả năng ứng dụng cao trong cuộc sống.
Bên cạnh đó bà Lê Dơn được đánh giá rất cao khi vừa là hội viên công giáo vừa là hội viên của hội LHPN Thành phố Hạ Long, ngoài trách nhiệm của một hội viên ra bà cũng rất nhiệt tình tham gia tất cả các hoạt động công tác hội, phong trào phụ nữ đặc biệt là từ thiện, nhân đạo.
Lê Dơn đã quyên tặng 100 bộ áo dài cho các hội viên nữ có điều kiện kinh tế thấp, chị đến tận nơi vào các xã ở khu vực Hoành Bồ cũ để trao tặng. Những bộ áo dài còn mới đi kèm là túi quà nhỏ, là tình cảm được nhà thiết kế Lê Dơn cũng như các hội viên của Hội LHPN nâng niu gửi tặng tới chị em với tinh thần chia sẻ, yêu thương.
Thông qua hoạt động này, Lê Dơn mong muốn góp phần nhỏ, động viên hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của chị em trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc thông qua áo dài truyền thống; giúp chị em có thêm niềm tin, sự gắn bó, năng động hơn trong công tác Hội và các hoạt động của Hội Phụ nữ.
Áo dài là biểu tượng văn hóa trang phục khi nhắc tới Việt Nam vì vậy, việc giữ được hồn cốt, văn hóa dân tộc trong tà áo dài là trách nhiệm, là sứ mệnh của các nhà thiết kế, qua đó thể hiện tài năng, kiến thức, chuyên môn, cái tâm, cái tầm của nhà thiết kế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại