Lập hồ sơ, chuyển cơ quan Công an xem xét xử lý doanh nghiệp nợ BHXH
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa |
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN (gọi chung là BHXH).
Cụ thể, thông qua việc hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời; chủ động phân tích dữ liệu thu để kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bất thường về số người, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; triển khai các hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên…
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng BHXH xuống mức thấp nhất, BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của BHXH Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng BHXH tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời.
Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, thực hiện gửi thông báo đôn đốc đến đơn vị. Nếu đơn vị không đóng tiền, lập biên bản hành vi vi phạm theo quy định.
Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn. Chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm việc đóng BHXH theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
BHXH các tỉnh lập danh sách đơn vị đã đôn đốc nộp tiền chậm đóng hoặc đã thanh tra đột xuất và vi phạm hành chính nhưng cố tình không đóng BHXH để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nhận định của Chính phủ năm 2023 là năm với rất nhiều khó khăn tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Để hoàn thành chỉ tiêu thu và giảm tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH, các địa phương thực hiện phân công lãnh đạo và cán bộ liên quan theo dõi, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền chậm đóng của những tháng trước, đôn đốc tổ chức dịch vụ thu hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan BHXH.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong năm 2023, ngành BHXH sẽ tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên.
"Đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm", ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời, đôn đốc đơn vị đóng bảo hiểm xã hội kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Phối hợp với công đoàn cơ sở, đơn vị sử dụng lao động vận động người lao động cài đặt ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động để người lao động theo dõi, giám sát quá trình đóng và quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Giải pháp nữa cũng được đề cập là xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng đối với lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan, giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội kịp thời. Xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân hằng quý và cả năm.
Liên quan đến vấn đề nợ đóng, trốn đóng BHXH, mới đây, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tính đến hết tháng 1, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) lên tới 25.943 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng phải tính lãi lên tới 14.089 tỷ đồng. |
Hà Nội công khai các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH kéo dài của người lao động | |
Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại