Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu. |
Đảm bảo quyền lợi cho NLĐ hưởng lương hưu hàng tháng
BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất phương án giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền BHXH.
BHXH Việt Nam cho biết thời gian vừa qua, tình trạng một số người sử dụng lao động phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH theo luật định dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ BHXH của NLĐ.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 1, tổng số tiền chậm đóng BHXH lên tới 25.943 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng phải tính lãi lên tới 14.089 tỷ đồng. Trong số này, số tiền các đơn vị chậm đóng từ 1-3 tháng là 220 tỷ đồng; số tiền các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên là 8.888 tỷ đồng; số tiền các đơn vị khó thu (đơn vị phá sản, đơn vị giải thể, đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ bỏ trốn) là 4.048 tỷ đồng.
Để giải quyết kịp thời quyền lợi cho NLĐ và thân nhân NLĐ, BHXH Việt Nam đề xuất giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đối với một số trường hợp. Cụ thể, NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.
NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng BHXH dưới 20 năm (trong đó, thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên) mà NLĐ có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH.
Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu (không thực hiện hoàn trả số tiền NLĐ đã đóng BHXH tự nguyện để thống nhất với nội dung hướng dẫn tại Công văn số 276/LĐTBXH- BHXH ngày 6/2/2023.
Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực đóng BHXH
BHXH Việt Nam cũng đề nghị cho phép giải quyết hưởng BHXH một lần với một số trường hợp như sau: Theo đó, người hưởng theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực đóng BHXH.
Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì sẽ giải quyết bổ sung BHXH một lần theo tiết d điểm này.
Người hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì giải quyết như đối với trường hợp tại tiết a điểm này.
Người hưởng theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội chưa đủ 20 năm đóng BHXH được giải quyết như đối với trường hợp tại tiết a điểm này.
Trong đó, thời gian một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 được xác định tại hồ sơ, và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của NLĐ ghi tại đơn đề nghị có nội dung đã nghỉ việc, hoặc đã dừng đóng BHXH tự nguyện đủ 12 tháng, và trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc hoặc dừng đóng BHXH tự nguyện không tiếp tục đóng BHXH.
BHXH Việt Nam cũng đề xuất chưa giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014.
Liên quan đến chế độ tử tuất, BHXH Việt Nam đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí đối với NLĐ có thời gian thực đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên, hoặc tổng thời gian thực đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) được giải quyết trợ cấp mai táng đối với thân nhân theo quy định.
Giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi NLĐ có từ đủ 15 năm thực đóng BHXH bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH), có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà không lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.
Giải quyết trợ cấp tuất một lần đối với các trường hợp NLĐ chưa đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc (bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH); NLĐ có đủ 15 năm thực đóng BHXH bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH), thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định mà lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần; NLĐ có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH), không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Khi thời gian tham gia BHXH được đóng bù thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần bổ sung tương tự như đối với hưởng BHXH một lần.
Về giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản trên cơ sở thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận, riêng đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi mà đơn vị chưa đóng đủ tiền BHXH, đề nghị cho phép thực hiện như sau: Đối với người có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 thì cho phép giải quyết trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận nuôi con nuôi theo quy định. Trường hợp sau đó, khoản tiền chưa đóng BHXH trước đó được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác mà làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo chính sách tại thời điểm hưởng.
Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2023, ngành BHXH sẽ tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các DN chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ; DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên. Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, có tình trạng DN thường né tránh cán bộ BHXH nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Nhiều đơn vị phân bua "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình chậm hay trốn". Chính vì vậy, đối với những DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các DN, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia, nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại