Thứ sáu 22/11/2024 18:26

Làm rõ tính chủ động trong phòng chống cháy nổ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và với bất cứ quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nguyên nhân hỏa hoạn chủ yếu từ phía con người, từ sự bất cẩn lơ là, từ sự thiếu trách nhiệm. Do đó trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động trong việc phòng chống cháy nổ”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề xuất.

Thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất Quốc hội cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát nhằm hạn chế tình trạng cháy nổ. Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC cũng cần đi vào thực chất.

“Bịt lỗ hổng” trong phòng cháy chữa cháy

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), “đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng công tác phòng chống cháy nổ để nhận ra những “lỗ hổng” cần xử lý, cần truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Trước hết đó là những lỗ hổng trong hệ thống văn bản hướng dẫn. Qua giám sát, cho thấy sự chồng chéo, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật không chỉ ở pháp luật trực tiếp về phòng chống cháy nổ mà còn ở các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là những nguyên nhân mà khiến địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện”

Cùng với đó là những “lỗ hổng” trong triển khai thực hiện cũng đã khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định đã làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân lại bảo là chúng tôi không biết. Cơ quan chức năng khẳng định đã quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, nhưng những sai phạm trong cháy nổ được xử lý rất ít. Thực tế cũng cho thấy khi sự cố cháy nổ thì lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và truy trách nhiệm. Đáng buồn khi truy cứu trách nhiệm đang có đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới không chấp hành, dưới thì cho rằng trên không hướng dẫn. Người dân cho rằng chính quyền không quan tâm, chính quyền cho rằng người dân không chấp hành”.

“Cần quan tâm bịt “lỗ hổng” từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện cho đến giám sát việc triển khai thực hiện. Hơn hết là ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn từ đó tìm giải pháp khắc phục phù hợp hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Phòng cháy chữa cháy – phải lấy phòng ngừa là chính

Nhấn mạnh công tác tuyên truyền PCCC thời gian qua chưa đảm bảo yêu cầu, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chỉ rõ: “Công tác tuyên truyền chưa đủ độ về thời gian, thời lượng và thời điểm tuyên truyền. Chưa chất lượng về nội dung tuyên truyền, chưa bao phủ các địa bàn, chưa đủ các đối tượng. Do đó chưa tạo được chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người dân. Chưa làm cho người dân và nhất là những người có trách nhiệm để lo lắng, để phòng tránh, để quan tâm, để có giải pháp tự mình chủ động thực hiện công tác PCCC”.

lam ro tinh chu dong trong phong chong chay no
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): "Nhiều người dân chưa có kỹ năng thoát hiểm để kịp thời xử lý khi xảy ra hỏa hoạn"

“Số vụ cháy xảy ra do người dân bất cẩn, sơ suất trong sử dụng lửa, khí đốt, thiếu kiến thức cơ bản về PCCC còn xảy ra nhiều. Người dân chưa có kỹ năng thoát hiểm để kịp thời xử lý khi xảy ra hỏa hoạn, nhất là các vụ cháy chung cư, nhà hàng, khách sạn trong thời gian qua”, đại biểu Hiền nói.

Vì vậy theo đại biểu, “giải pháp đầu tiên và hết sức quan trọng là cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc đưa kiến thức PCCC vào chương trình giáo dục trong các cấp học, ngành học. Chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền qua các phương tiên thông tin đại chúng. Ưu tiên thời lượng, thời điểm phát sóng để người xem, người nghe được nhiều nhất, ấn tượng nhất. Cùng với đó lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, gắn liền trách nhiệm của người thực hiện. Đặc biệt chú trọng phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm thoát nạn cho người dân”.

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, cần làm tốt, thực chất, hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC. “Các hoạt động tuyên truyền thường chỉ tập trung vào các thời gian cao điểm như Ngày Toàn dân PCCC (4-10), Tháng Phòng chống cháy nổ… trong khi bất cứ thời điểm nào thì nguy cơ cháy nổ cũng tiềm ẩn”, đại biểu nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả giám sát trước đó, Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) “làm nhiều nhưng đọng lại ít”, mới chỉ tập trung tuyên truyền ở các địa bàn thành phố, thị trấn, còn những địa bàn ở xa thì chưa thực sự được quan tâm. Thậm chí có nơi còn “bỏ trống địa bàn”, người dân ít được tuyên truyền, hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó”.

“Đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người (nơi có rừng) hiểu biết vẫn chưa đầy đủ, thậm chí thiếu hiểu biết những quy định của pháp luật về PCCC. Nhiều nơi ở các thành phố, đô thị trên cả nước, người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC đến mức không biết cháy thì phải làm sao, thoát nạn như thế nào…. Bên cạnh đó, một bộ phận có hiểu biết nhưng lại không tự giác chấp hành pháp luật về PCCC”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết.

Giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động