Làm "cô giáo" cần nhất trí tuệ và cách hành xử đẹp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThời gian qua, cô giáo Minh Thu dạy môn Vật lý qua mạng nổi lên như một hiện tượng mạng. Chỉ một buổi livestream cũng thu hút trăm nghìn người theo dõi không khác gì các nhân vật nổi tiếng của showbiz. Lợi thế của Minh Thu là ngoại hình xinh xắn, tâm lý trẻ trung nên rất hiểu giới trẻ thích gì, muốn nghe gì.
Tuy nhiên, nổi tiếng chưa lâu thì Minh Thu gặp “liên hoàn phốt” khiến cộng đồng mạng ngán ngẩm, thậm chí còn hối hận vì trót yêu thích, theo dõi cô.
Cụ thể, thay vì hướng đến cách dạy tốt hơn như bản thân Minh Thu đã hứa trước đó, livestream của cô nàng ngày càng nhảm. 2 tiếng livestream dạy học thì có đến 20 - 30 phút để trò chuyện, thực hiện những thử thách vô nghĩa như ”thách cô thở", "thách cô không thở", "thách cô không nói chuyện suốt livestream"…
Hiện tại, Minh Thu chưa tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Vật lý nên nhiều người lo sợ kiến thức của cô chưa đủ để truyền dạy cho học sinh, nhất là các em học sinh lớp 12. Lo ngại đó có cơ sở bởi trong quá trình giảng dạy, cô đã phạm phải vài lỗi sai cơ bản về kiến thức khiến học sinh đặt dấu chấm hỏi.
Nhưng đỉnh điểm hơn là cách cư xử của cô với học sinh. Cô thản nhiên chửi bậy, quát học sinh, còn nói tục tĩu "Bố mày cân hết" khi nhận yêu cầu của dân mạng. Khi được hỏi về chuyện chơi game, cô giáo đã trợn tròn mắt và lớn tiếng: "Mắc gì không được chơi game. Mai chơi game nhiều hơn. Cô giáo có chơi game đấy thì sao nào?".
Khi được học trò góp ý về việc nói to trong giờ học, Minh Thu lại càng lớn tiếng hơn, trợn mắt vào livestream: "Các bạn cứ hỏi tại sao tôi nói to thế. Tôi đang cố nhỏ volume lại rồi. To đâu mà to".
"Cô giáo" Minh Thu gây bức xúc cho cộng đồng mạng khi có những lời nói thiếu chuẩn mực |
Minh Thu nổi tiếng nhanh chóng cho thấy cô đã biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để nhiều người, trong đó có số đông các em học sinh biết đến mình. Việc Minh Thu chưa tốt nghiệp đại học cũng không phải là vấn đề quá lớn để cộng đồng mạng “quay xe”, không học cô nữa. Bởi thực tế, nhiều “cô giáo”, “thầy giáo” cũng chưa có bằng đại học, chưa từng đứng lớp tại một ngôi trường nào nhưng vẫn đem đến những bài học thú vị, ý nghĩa và đúng về kiến thức cho người học của mình.
Người học trân trọng công lao của những người dạy mình nên gọi người dạy đó là thầy giáo, cô giáo. Điều này không sai, nhất là theo đạo lý “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” được Nhân dân ta lưu truyền qua bao đời nay. Và “thầy” ở đây cũng không gói gọn chỉ trong trường học mà còn trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Những người truyền dạy cho chúng ta kiến thức, kinh nghiệm, lối sống đẹp đều xứng đáng được gọi là thầy.
Tuy nhiên thật tiếc cho Minh Thu lại không trân trọng những tình cảm yêu quý của cộng đồng mạng để làm được những việc ý nghĩa và thiêng liêng của một “cô giáo”. Dù sao, với lượng theo dõi khủng, lại đa phần là các em học sinh, Minh Thu cũng là một người có tầm ảnh hưởng đến các em. Việc cô có những hành động thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội sẽ ít nhiều tác động tiêu cực đến giới trẻ, nhất là những ai đã trót “thần tượng” cô. Minh Thu sẽ nghĩ gì nếu như học trò của cô cũng bắt chước những hành động của mình? Thậm chí là dùng những ngôn từ phản cảm ấy để cư xử với chính cô và những người xung quanh.
Minh Thu từng tâm sự: "Đối với cô, trên giảng đường vẫn là cô của các bạn. Nhưng khi đã bước ra khỏi những tiết học, cô vẫn luôn ao ước được làm bạn, được lắng nghe chia sẻ để hiểu các bạn hơn. Kể cả việc được viết tên lên bảng, hay trả lời bình luận sau mỗi tiết học, cô nghĩ đó là cách để cô trò mình gần gũi với nhau hơn".
Mong muốn ấy của Minh Thu hoàn toàn chính đáng. Cô cũng hội tụ nhiều thế mạnh để trở thành nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội nhất là ngoại hình cùng tính cách gần gũi, vui vẻ. Tuy nhiên, sự gần gũi, vui vẻ khác với kiểu bông đùa quá trớn, thái độ và hành động “cân tất” của mình.
Mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, mang đến sự nổi tiếng, kéo theo nhiều lợi ích khác nhưng nó cũng dễ “dìm” bất cứ ai nếu họ trót phạm phải sai lầm nào đó. Thế nên mới nói người nổi tiếng trên mạng xã hội giống như “làm dâu trăm họ”, được nhiều người tin yêu nhưng cũng không ít người ghét bỏ.
Nổi tiếng trên môi trường mạng đồng nghĩa phải biết chấp nhận những áp lực, chú ý của cộng đồng mạng. Tất nhiên, chúng ta không thể sống kiểu chiều lòng người khác. Nhưng, những thách thức, xù lông đáp trả một cách thiếu chuẩn mực trước những lời nói, hành động kể cả thiếu văn hóa của cộng đồng mạng là cách xử trí thiếu thông minh và khôn khéo, thậm chí kéo theo những rắc rối nghiêm trọng cho bản thân và trúng “kế” của người có mưu đồ xấu với mình.
Nổi tiếng trên mạng xã hội không khó. Xây dựng, duy trì hình ảnh, sự nổi tiếng mới khó. Để làm một cô giáo đúng nghĩa trên mạng xã hội càng cần đến bản lĩnh, ở trí tuệ và cách hành xử đẹp. Những điều đó cũng thể hiện sự trách nhiệm, tôn trọng của bản thân với những ai đã yêu quý, tin tưởng chúng ta. Hy vọng Minh Thu sẽ nhận ra những thiếu xót của mình để sửa sai, không phụ lòng những tình cảm tốt đẹp của mọi người dành cho cô và đặc biệt sẽ trở thành "cô giáo" một cách xứng đáng nhất.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại