Làm 1 tiêu 10, giới trẻ gặp khó khăn trong quản lý chi tiêu mùa mua sắm cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLoạt sản phẩm chỉ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm |
Mua sắm để thỏa mãn nhu cầu, cần không… thì không biết
Cuối năm nay, sự bùng nổ của thị trường giải trí nội địa cùng vô vàn xu hướng kinh doanh mới đã tác động đến nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người trẻ. Không ít bạn trẻ Gen Z đã chi vượt quá so với mức thu nhập để rồi áp lực không biết phải xoay sở ra sao với nguồn tiền ít ỏi còn lại.
Khánh Ngọc (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thừa nhận bản thân là người tiêu xài hoang phí, thường xuyên rơi vào trạng thái áp lực sau khi “đốt sạch” ngân sách hiện có. Do còn đi học, thu nhập của Ngọc đến từ các công việc tự do, bất ổn định và phải phụ thuộc vào trợ cấp từ gia đình.
“Mình cảm thấy ái ngại khi hay phải xin tiền, bố mẹ vẫn cho khi mình cần thôi nhưng mình nhận thức bản thân phải cố gắng biết điểm dừng trong mua sắm hơn để chấm dứt tình trạng tiêu pha quá đà” - Ngọc chia sẻ.
Bạn trẻ SN 2004 chi đến hơn 80% thu nhập một tháng cho các sản phẩm trang điểm, chăm sóc da hay đồ lưu niệm của thần tượng. Đặc biệt với mùa mua sắm cuối năm có nhiều dịp lễ lớn như Giáng sinh, Năm mới… các cửa hàng vật lý và trực tuyến tung ra nhiều ưu đãi lớn cùng các bộ sưu tập giới hạn, khiến Ngọc càng dễ rơi vào trạng thái “chốt đơn” trong vô thức. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng, cô cho biết mình thường mua các sản phẩm kể trên vì bao bì đẹp hoặc để bớt “fomo” (nỗi sợ khi bỏ lỡ điều thú vị mà người khác được trải nghiệm) với các quảng cáo của nhãn hàng.
Chưa kể, Ngọc còn nhiều sở thích khác ngoài mua sắm như tụ tập bạn bè, ăn uống… Với kiểu chi tiêu hiện tại, bạn trẻ không đáp ứng đủ tiền chi trả cho nhu cầu mỗi tháng chứ chưa dám nghĩ đến các dự định xa hơn.
Về phía Bảo Trâm (23 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội), dù đã đi làm và nhận thức được tầm quan trọng của quản lý chi tiêu nhưng cuối năm nay, cô vẫn điêu đứng trước thực trạng mua sắm của mình. “Mình có nhiều sở thích giải trí, tháng 12 này đã tiêu rất nhiều cho việc mua vé chương trình âm nhạc, quà tặng, đồ lưu niệm của thần tượng. Mình cũng có những giai đoạn chi tiêu tùy hứng và sau đó sẽ xốc lại tinh thần để tiết kiệm nên tính trung bình vẫn đủ so với thu nhập hàng tháng, không quá đau đầu vì hết sạch tiền. Tuy nhiên, thói quen đấy không tốt lắm vì nếu có những khoản phát sinh đột xuất lớn, chưa chắc mình đã xoay sở được” - Trâm chia sẻ.
Hiện tại, Trâm tiếp tục theo học tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bạn trẻ cần ngân sách lớn để phục vụ học phí và mua đồ công nghệ do đặc thù công việc. Mỗi tháng Trâm còn phải trả góp cho các khoản chi trước đó, vì vậy việc mua sắm tất tay cuối năm cũng là trở ngại lớn để bạn thực hiện các kế hoạch tài chính của mình.
Người trẻ loay hoay vì tình trạng mua sắm không kiểm soát. |
Cách quản lý tài chính đơn giản, hiệu quả
Theo trao đổi trực tiếp với TS. Hoàng Hương Giang (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), do cách thức dịch chuyển trong tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ “on store đến online” (từ trực tiếp sang trực tuyến) kết hợp với sự đẩy mạnh của truyền thông dịp mua sắm cuối năm, người trẻ gặp khó khăn trong quản lý chi tiêu hơn bao giờ hết. Họ thường xuyên thanh toán điện tử, không có cảm xúc mất tiền khỏi túi nên càng khó điều chỉnh hành vi của mình. Về lâu dài, kiểu mua sắm theo xu hướng để thỏa mãn sự yêu thích nhất thời có thể làm vỡ kế hoạch tài chính dài hạn, khó cân đối thu chi, khiến người trẻ gặp nguy trong các tình huống đột xuất. Để tránh rủi ro tài chính, mỗi người cần có cách quản lý chi tiêu hợp lý từ bây giờ.
TS Hoàng Hương Giang - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. |
TS. Hoàng Hương Giang chia sẻ: “Cách hiệu quả nhất là sử dụng tài khoản tiết kiệm không thời hạn của ngân hàng. Hãy phân khoản chi tiêu cố định cũng như khoản dự phòng phát sinh theo nhu cầu của bản thân và giải ngân đúng thời hạn mình cần. Ngoài ra, với các bạn sinh viên có dòng tiền thiếu ổn định, các em có thể nhờ bố mẹ đứng ra làm người hỗ trợ quản lý chi tiêu tránh tình trạng “rút tiền” của gia đình không kiểm soát”.
Đồng thời, TS. Hoàng Hương Giang đã đưa ra lời khuyên thiết thực dành cho các bạn trẻ trước tình trạng “vung tay quá trán” mùa mua sắm cuối năm. Khi nhận mức thu nhập mỗi tháng, hãy chia tiền cho các nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn chi tiêu. Luôn lập danh sách những món đồ cần thiết, đừng thấy rẻ mà mua không kiểm soát. Đặc biệt, người trẻ cần phải ưu tiên độ hữu dụng của sản phẩm thay vì chạy theo xu hướng một cách không thận trọng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại