Lại chuyện thực phẩm bẩn dịp cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng kiểm tra địa điểm kinh doanh tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm |
Liên tục phát hiện thực phẩm bẩn
Ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ CA quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh thuộc hộ kinh doanh Quang Định tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, do ông Vũ Văn Định là chủ kinh doanh.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Lực lượng chức năng cho rằng, số lượng hàng hóa tạm giữ ở vụ việc này rất lớn, cho thấy các đối tượng vi phạm đã có tính toán kỹ lưỡng, tranh thủ đưa ra thị trường dịp cuối năm.
Ngày 23/11, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 - Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, phát hiện một xe tải gắn mác “chuyển phát nhanh” có biểu hiện nghi vấn nên đã dừng xe kiểm tra theo quy định. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng xe tải có lượng lớn hàng hoá là bánh kẹo, thực phẩm gắn nhãn mác nước ngoài.
Đáng chú ý, số hàng hoá phía ngoài được ngụy trang rất tinh vi đều có hoá đơn chứng từ. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra sâu phía bên trong thì phát hiện có 6.000 gói bánh quy, 750 hộp bánh và 36.000 túi xúc xích. Lái xe Đ.M.H (SN 1994; trú tại Bảo Thắng, Lào Cai) đã không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô cực lớn tại địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Bên trong các thùng hàng chủ yếu chứa các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế, gồm có: chân gà, móng lợn, dê muối và nhiều đùi lợn muối Tây Ban Nha…
Điểm chung là tất cả sản phẩm đều có xuất xứ ở nước ngoài và đều là lô hàng 3 không: không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Về cảm quan, khó phát hiện ra số hàng này là TPB nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 1 năm, thậm chí là gần 2 năm.
Cần áp thêm quy định truy cứu hình sự
Lẽ dĩ nhiên, những lô TPB kể trên nếu không bị thu giữ thì sẽ len lỏi vào từng bữa ăn, mâm cơm của mỗi gia đình. Hoặc chúng sẽ được “hô biến” thành những thực phẩm nhập ngoại với cam kết đảm bảo vệ sinh để chễm chệ trên các kệ hàng phục vụ Tết. Người dân vẫn hồn nhiên ăn, hồn nhiên chi tiền và hồn nhiên tin rằng đồng tiền mình bỏ ra để mua những đồ ăn đầy dinh dưỡng…
Đã có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, cũng có thể có rất nhiều những mầm bệnh liên quan đến cái cách người ta ăn uống, tiêu thụ thực phẩm. Thế nhưng chưa có một thống kê nào về việc đó, lại càng khó để truy xuất cho đến cùng tổn hại sức khỏe là do đâu. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam cũng không có thói quen tìm hiểu đến cùng nguyên do tổn hại sức khỏe, hoặc có thể họ muốn kêu, cũng chẳng biết kêu ai.
Vậy nên, câu chuyện TPB nói mãi cũng vẫn chưa… hết chuyện. Và đáng nói hơn nữa, cứ đến hẹn lại lên, dịp gần Tết, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn nhập vào Việt Nam lại càng nhiều. Mặc dù năm này qua năm khác, câu chuyện cảnh báo cũng như các thông tin bắt giữ khối lượng lớn TPB liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng vấn nạn TPB, không rõ nguồn gốc vẫn hoạt động mạnh như chưa từng có gì xảy ra. Lý giải việc này, theo lực lượng quản lý thị trường, một là do bởi các cơ sở kinh doanh, chủ thương đã quá ham lợi nhuận để sẵn sàng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lưu hành TPB. Mặc khác, cũng do tâm lý ham của rẻ của nhiều khách hàng khiến TPB, trôi nổi luôn có đất sống.
Từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thực tế hành lang pháp lý để xử phạt những vi phạm đã có nhưng có lẽ chỉ phạt hành chính e rằng vẫn còn quá nhẹ tay. Các cơ quan thực thi pháp luật cần mạnh tay hơn để đủ sức răn đe không tái diễn.
“Như nhiều vụ việc trước kia, khi phát hiện ra cơ sở giết mổ gia cầm bệnh, chết để tiêu thụ, thường trong trường hợp này, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và giao toàn bộ số tang vật cho chính quyền địa phương tiêu hủy. Nhưng chưa nghe thấy việc sẽ xử lý hoặc truy soát những cá nhân hoặc trại chăn nuôi tuồn cho các cơ sở giết mổ này? Trong câu chuyện này, không thể nói những người buôn bán gia cầm chết, bệnh… là vô can” – luật sư Yến phân tích.
Cũng theo luật sư Yến, kể cả việc phạt hành chính các cơ sở kinh doanh, nhập lậu TPB là quá nhẹ. Thực tế đã có nhiều vụ ngộ độc từ các TPB, không rõ nguồn gốc, nên chăng, cần áp thêm quy định truy cứu hình sự với những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Không thể chờ đến khi xảy ra vụ việc mới khởi tố và truy soát. Bởi lẽ khi đến mức ấy, có thể sẽ có những hậu quả nghiêm trọng không thể cứu vãn, bởi TPB… là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe con người – theo luật sư Yến.
Năm nào cũng vậy, sự “ra quân” hoặc ban hành kế hoạch cao điểm… đều có. Thế nhưng chuyện TPB tồn tại trên thị trường vẫn luôn là vấn đề nan giải. Vậy nên, để bảo vệ chính mình trước khi cơ quan chức năng có thêm những chế tài mạnh tay hơn, lại một lần nữa, chính những người dân hãy tự trang bị kiến thức để trở thành một người tiêu dùng thông thái!
Hà Nội: Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu được tăng cường | |
Hà Nội thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2023 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại