“Lá đơn thứ 72” - vở kịch đầy xúc động về Bác Hồ kính yêu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác cháu thiếu nhi quây quần bên Bác khiến khán giả không khỏi xúc động và tự hào về Người cha già của dân tộc Việt Nam. |
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và nằm trong chủ trương xây dựng những tác phẩm đề tài chính kịch chất lượng dành cho khán giả Việt.
Dù đề tài về Bác đã được khai thác rất nhiều trong văn học, nghệ thuật nhưng Sân khấu Lệ Ngọc vẫn mạnh dạn dàn dựng tác phẩm sân khấu mới “Lá đơn thứ 72” - vở kịch dựa trên một câu chuyện có thật.
Tác giả Hoàng Thanh Du chia sẻ ông viết kịch bản từ tư liệu của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao - người từng giải mã nhiều vụ án oan sai.
Tác giả ấn tượng với vụ án oan về ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, từng là cán bộ địa phương, bị lĩnh án về tội giết người. Trong suốt 8 năm, ông Chồi liên tục gửi hơn 70 lá đơn để kêu oan. Năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký Vũ Kỳ chuyển đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: “Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết”. Do đó, vụ án của ông Đỗ Văn Chồi được lật lại.
Trong vở kịch, nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi được đổi tên là Đỗ Minh, phải chịu ngồi tù đầy oan ức, liên tục viết thư kêu oan. Tuy nhiên, lời hồi âm bao giờ cũng chỉ là “Án xử đúng, nên yên tâm cải tạo”….
Ông Đỗ Minh vẫn không tuyệt vọng, luôn chấp hành tốt các quy định của trại giam và năm nào cũng tha thiết dành số tiền ít ỏi mà bản thân có được để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Chính niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào chính quyền và công lý của ông đã khiến Bác Hồ chú ý và bày tỏ sự trân trọng…
Không chỉ đặc biệt về mặt nội dung mà vở kịch “Lá đơn thứ 72” còn có sự kết hợp dàn dựng của ê-kíp kỳ cựu. Trong đó có 2 nghệ sĩ, là nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: NSND Lê Tiến Thọ đóng vai trò đạo diễn và NSND Vương Duy Biên (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) với vai trò thiết kế sân khấu.
Bên cạnh đó, vở kịch có sự tham gia của các nghệ sĩ: Văn Hải đóng vai Bác Hồ, NSND Lệ Ngọc trong vai vợ Đỗ Minh, NSƯT Hoàng Tùng đóng vai Vũ Kỳ, Anh Tuấn trong vai Đỗ Minh, Lâm Cương trong vai cán bộ điều tra…
Trong vở kịch này, NSND Lê Tiến Thọ đã chọn được những lát cắt đắt để làm nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác với bộ quần áo ka-ki giản dị, quen thuộc ngồi làm việc trên chiếc ghế mây ở Phủ Chủ tịch. Bác luôn trăn trở việc nước, việc dân. Khi cấp dưới làm việc còn thiếu xót, Bác lập tức chấn chỉnh nhẹ nhàng mà thấm thía. Bác sát sao với đời sống Nhân dân khi đến các địa phương để tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Người luôn mong muốn từng người dân được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Những mong ước đó được thể hiện rõ trong từng lời thoại của các nhân vật. Đặc biệt, cảnh kết các cháu thiếu nhi quây quần bên Bác khiến khán giả không khỏi xúc động và tự hào về Người cha già của dân tộc Việt Nam.
Để đáp ứng ý tưởng của tác giả kịch bản và đạo diễn của vở kịch, NSND Vương Duy Biên đã chọn lối thiết kế sân khấu tối giản mà tinh tế, khắc họa các không gian như nơi làm việc của Bác, phố phường Hà Nội, viện kiểm sát, nhà giam…một cách tự nhiên và chân thực.
Được biết, vở kịch “Lá đơn thứ 72” sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc đưa tới nhiều địa phương, để khán giả trên khắp mọi miền Tổ quốc được xem thêm một tác phẩm ý nghĩa về Bác Hồ, đồng thời thúc đẩy thế hệ hôm nay đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại