Thứ hai 16/09/2024 10:25

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội: Nhìn lại quá khứ để bước tiếp tương lai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kể từ Đại hội lần thứ I diễn ra từ ngày 21 đến 30-4-1959 đến nay, Đảng bộ Hà Nội đã trải qua 16 kỳ Đại hội. Và trong 90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Chặng đường hào hùng

Sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời một thời gian ngắn, ngày 17-3-1930, Đảng bộ Hà Nội được thành lập. Từ đặc thù của mình, Hà Nội luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng nên trong suốt gần 3 thập kỷ sau khi được thành lập, Đảng bộ TP thực hiện đường lối cách mạng của Đảng thông qua các hội nghị toàn Đảng bộ nên không tổ chức đại hội. Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Thành ủy đều do cấp trên chỉ định. Giai đoạn này cũng là một chặng đường hào hùng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều chiến công vĩ đại: Tổng khởi nghĩa thắng lợi làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến giải phóng Thủ đô tháng 10-1954. Sau đó, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1954-1958.

Từ ngày 21 đến 30-4-1959, Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ tại Nhà hát Lớn, theo chỉ thị của Trung ương, hội nghị có quyền hạn như một đại hội và được xác định là đại hội lần thứ nhất. 236 đại biểu chính thức thay mặt cho 12 nghìn đảng viên của toàn Đảng bộ về dự hội nghị. Thời điểm này, TP đã hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất ở ngoại thành, tiến hành khôi phục kinh tế, văn hóa, xây dựng Thủ đô về mọi mặt, góp phần củng cố miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đại hội đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ II tổ chức từ ngày 25-1-1961 đến 2-2-1961 với sự tham dự của 310 đại biểu thay mặt cho trên 2 vạn đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đến dự và phát biểu, Người tiếp tục căn dặn: "Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô phải gương mẫu, làm đầu tàu để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi". Thực hiện lời dạy của Bác, qua các kỳ đại hội thứ III (năm 1963), thứ IV (năm 1968), thứ V (năm 1971) và thứ VI (1974), Đảng bộ TP đã tập trung lãnh đạo nhân dân Thủ đô đẩy mạnh phát triển sản xuất, chống chiến tranh phá hoại của địch, làm đầy đủ nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và làm tốt công tác hậu phương quân đội. Đặc biệt, quân và dân Thủ đô đã đập tan chiến dịch tập kích chiến lược đường không của địch cuối tháng 12-1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi. Đại hội lần thứ VI, số đảng viên của Đảng bộ TP tăng lên 64 nghìn đảng viên.

Cùng với Hà Nội, hai tỉnh liền kề Thủ đô là Hà Đông, Sơn Tây cũng sớm tiếp nhận tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tinh thần yêu nước. Tháng 5-1930, chi bộ Đảng Thanh Trì được thành lập, hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hà Đông trước đây, cũng là chi bộ ở nông thôn sớm nhất trong Đảng bộ Hà Nội ngày nay. Năm 1938, đồng chí Trần Quí Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về Đa Phúc (Quốc Oai) công nhận chi bộ dự bị ở đây là một chi bộ chính thức của Đảng, chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Sơn Tây. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Xứ ủy, phong trào cách mạng ở Hà Đông, Sơn Tây phát triển mạnh mẽ, tạo thành an toàn khu, là cơ sở để Đảng lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ tỉnh Hà Đông và Sơn Tây đã tiến hành tổ chức đại hội lần thứ I và các hội nghị, đại hội tiếp theo để triển khai đường lối kháng chiến của Trung ương và đề ra phương hướng lãnh đạo của từng đảng bộ.

Hòa bình lập lại tại miền Bắc, Đảng bộ tỉnh Hà Đông và Đảng bộ tỉnh Sơn Tây đã tiến hành hội nghị đảng bộ (năm 1959), các đại hội lần thứ III (năm 1961), lần thứ IV (năm 1963) đề ra phương hướng lãnh đạo nhân dân hai tỉnh cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển nông nghiệp làm trọng tâm, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp là quan trọng; đẩy mạnh hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học; củng cố quốc phòng; đẩy mạnh các hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam… Ngày 10-4-1965, Bộ Chính trị ra quyết định hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây. Từ ngày 11 đến 20-3-1969 diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Hà Tây lần đầu, chính là sự tiếp nối của 4 kỳ đại hội của hai đảng bộ nên được xác định là kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V. Năm 1974, Đảng bộ tỉnh tiến hành đại hội lần thứ VI. Đây là thời kỳ địa phương tập trung phát triển kinh tế, động viên chi viện cho tiền tuyến lớn, tổ chức đời sống nhân dân tham gia sản xuất, chiến đấu, xây dựng Đảng…

Đất nước được hoàn toàn giải phóng, TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành Đại hội lần thứ VII (tổ chức hai vòng vào cuối năm 1976 và giữa năm 1977), lần thứ VIII (năm 1980), lần thứ IX (tổ chức hai vòng vào tháng 1-1982 và tháng 6-1983) và điểm mốc khởi đầu bước vào thời kỳ đổi mới là Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X được tổ chức từ 17 đến 23-10-1986 với 709 đại biểu tham dự.

ky niem 90 nam ngay thanh lap dang bo tp ha noi nhin lai qua khu de buoc tiep tuong lai
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã cụ thể hóa những chủ trương đường lối góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Ảnh tư liệu

Giành những kết quả toàn diện

Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã xây dựng dự thảo các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng với nội dung cốt lõi là: Xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đánh giá nghiêm túc những việc đã làm được và chưa làm được, tiến bộ và khuyết điểm, phân tích đúng các nguyên nhân; định ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phấn đấu trong 5 năm tới.

Trong nhiệm kỳ này là giai đoạn vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai, Đảng bộ đã vượt qua nhiều khó khăn, lãnh đạo TP giành kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính trị xã hội ổn định. Từ tiền đề ban đầu đó, các Đại hội lần thứ XI (tổ chức vòng 1 từ ngày 25 đến 29-4-1991, vòng 2 từ ngày 16 đến ngày 19-11-1991), lần thứ XII (tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9-5-1996), lần thứ XIII (tổ chức từ ngày 27 đến ngày 30-12-2000), lần thứ XIV (tổ chức từ ngày 20 đến 23-12-2005) đều đánh dấu một bước tiến mới của Thủ đô trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cũng như trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tại Đại hội lần thứ XIV, đánh giá kết quả 20 năm đổi mới cho thấy, so với năm 1985, GDP năm 2005 của TP tăng khoảng 6,4 lần, thu ngân sách tăng trên 10 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 47,4 lần, mức thu nhập của người dân tăng 4 lần. Quản lý đô thị tiến bộ với khối lượng vận chuyển hành khách công cộng tăng 15 lần, xây dựng nhà ở tăng 10 lần, sản lượng cấp nước sạch tăng 4,3 lần…

Với tỉnh Hà Tây, sau giải phóng, ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-1976. Trải qua các kỳ đại hội được tổ chức vào tháng 4-1977, tháng 10-1979, tháng 1-1983 và tháng 10-1986, kỳ họp Quốc hội thứ chín (khóa VIII) năm 1991 đã quyết định tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. 6 huyện, thị xã gồm Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì được chuyển giao từ tỉnh Hà Sơn Bình về Hà Nội từ tháng 4-1979 lại được tách khỏi Hà Nội chuyển về Hà Tây.

Chính thức làm việc từ ngày 1-10-1991, đến tháng 3-1992, Đảng bộ tỉnh Hà Tây tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 1992-1995. Từ Đại hội năm 1992 đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây lần thứ XIV (từ ngày 14 đến 16-12-2005), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đạt được bước phát triển theo hướng CNH, HĐH. Từ địa bàn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới chiếm 20% giá trị sản xuất; đến năm 2005, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm còn 31,39%, công nghiệp xây dựng tăng lên chiếm 38,4%; dịch vụ du lịch cũng tăng lên 30,21%...

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV diễn ra từ ngày 25 đến 28-10-2010 là đại hội nhiệm kỳ đầu tiên sau điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thực hiện theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII được tổ chức trong bối cảnh TP vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 493 đại biểu chính thức đại diện cho gần 33 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự đại hội. Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIV, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015. 5 năm qua, Đảng bộ TP đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và của Thành ủy, trọng tâm là nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV, lãnh đạo thực hiện tốt 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá của Thành ủy, tạo ra bước chuyển biến mới, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ. Tiếp nối những thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVI đã tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm phát triển kinh tế Thủ đô 5 năm 2015-2020, ổn định xã hội tạo đà thắng lợi cho kỳ Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội thành công cùng với những chủ trương, đường lối đúng đắn được đại hội thống nhất sẽ trở thành tiền đề để Thủ đô vững bước đi lên...

Thủy Liên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động