Thứ hai 20/05/2024 15:40

Kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động: Vẫn còn lỗ hổng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi ngày thế giới có khoảng 6.400 người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 680.000 người bị thương khi làm việc.

Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, mỗi năm hiện hơn 1 triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động. Trong đó lao động ở độ tuổi 15 - 24 chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước. Năm 2017, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 898 vụ; số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 101 vụ; số người chết: 928 người. Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là 1.541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 136.918 ngày.

Trong số các vụ tai nạn lao động chết người (phân tích từ 137 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người), nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 45,41%. Trong đó có 12,31% tổng số vụ là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động. Đối với người lao động, số người lao động bị nạn do vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 16,9 % tổng số vụ.

ky nang ve an toan ve sinh lao dong van con lo hong

Huấn luyện ATVSLĐ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ an toàn cho người lao động. ẢNH MINH HỌA

Thông tin tại đối thoại định kỳ 2018 của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hồng Quang - đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho hay: Quá trình thanh, kiểm tra hầu hết các doanh nghiệp đều báo cáo đã nghiêm túc triển khai quy trình về huấn luyện ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp thuê một doanh nghiệp về giảng về quy trình huấn luyện cho công nhân trong giờ nghỉ trưa rồi quay clip, chụp ảnh…làm hồ sơ rất đẹp.

Tuy nhiên tìm hiểu kỹ thì mới vỡ lẽ hầu hết quy trình về huấn luyện đều được các doanh nghiệp thực hiện lúc tranh thủ vào giờ nghỉ trưa của công nhân với thời lượng từ 30 phút đến 1 tiếng. Sau buổi huấn luyện công nhân không tích lũy được nhiều kiến thức về ATVSLĐ. Những kỹ năng về ATVSLĐ vẫn là lỗ hổng lớn dẫn đến tai nạn lao động vẫn gia tăng.

Trao đổi thêm về tình trạng này, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam, cho biết: “Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều “than” rằng thời gian huấn luyện về ATVSLD quá dài, họ không muốn huấn luyện hoặc làm trong một thời gian thật ít. Ý thức của người sử dụng lao động chưa cao, họ luôn mong muốn đặt năng suất lên trước. Huấn luyện về ATVSLĐ góp phần tăng năng suất gián tiếp, còn người sử dụng lao động muốn tăng năng suất trực tiếp. Bên cạnh đó, nhận thức quản lý của các cấp ở địa phương còn chưa đầy đủ.

Có những đơn vị không huấn luyện mà đi mua chứng chỉ. Nhiều lần cùng Bộ LĐ-TB&XH đi kiểm tra về quy trình huấn luyện ATVSLĐ thì nhận thấy nhiều đơn vị tham gia huấn luyện ATVSLĐ nhưng giảng viên lại không hiểu, không biết nhiều quy trình hoạt động của máy móc.

Tình trạng “ăn bớt”, rút ngắn thời gian huấn luyện, theo ông Nguyễn Hồng Quang diễn ra khá phổ biến ở Đồng Nai. Tuy nhiên khi ngành chức năng phát hiện thì cũng chỉ làm công tác tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp cũng như những đơn vị tham gia huấn luyện nghiêm túc thực hiện quy trình huấn luyện. Nguyên nhân là do Nghị định số 95/2013/NĐ-CP chưa có chế tài xử lý với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thực hiện đúng quy trình ATVSLĐ. Về phía đơn vị tham gia, Nghị định 95 đã có chế tài nhưng để xử phạt cũng rất khó.

Trong khi đó từ phía trung tâm huấn luyện cũng cho biết, bản thân các cơ sở cũng phải chịu không ít áp lực từ sự chồng chéo về quy định pháp lý. “Để có thể hoạt động trung tâm phải xin 3 giấy phép. Song trong nhiều tình huống, trung tâm vẫn lúng túng không biết thực hiện theo quy trình nào. Cùng một cái cẩu khi chúng tôi vào Bộ Xây dựng thì chịu sự quản lý của Bộ Xây dựng nhưng khi chúng tôi sang Bộ Công an thì lại chịu sự điều chỉnh của Bộ Công an… Một thiết bị mà quá nhiều Bộ quản lý, chỉ tính riêng việc đi xin giấy phép thôi cũng là áp lực lớn với các doanh nghiệp. Chúng tôi không ai muốn làm sai, chúng tôi cũng muốn làm đúng quy trình nhưng nếu ngành chức năng không tháo gỡ sự chồng chéo này rất khó để chúng tôi tồn tại” – đại diện trung tâm huấn luyện TP HCM thông tin thêm.

“Trách nhiệm thuộc về Sở LĐ-TB&XH địa phương đã không kiểm tra đầy đủ, kể cả hậu kiểm”, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam nêu rõ. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận bất cập hiện nay là hệ thống thanh tra ATVSLĐ còn rất mỏng, yếu, thiếu. Cả nước có gần 500 thanh tra lao động kiêm cả ATLĐ trong khi số doanh nghiệp lại rất lớn.

Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng: “Luật đã quy định phân cấp cho các bộ ngành trung ương, các hội đoàn thể thực hiện ATVSLĐ. Ở địa phương phân cấp tới cấp tỉnh, huyện, xã… Tất cả cơ quan đoàn thể đều phải vào cuộc vì người lao động. Trong tình hình điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nên các cấp các ngành địa phương phải chung tay và trước mắt đề xuất địa phương xây dựng ngân sách tập trung vào lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm”.

Cục trưởng Hà Tất Thắng cũng cho rằng, trong việc đảm bảo ATVSLĐ, trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng lao động, bên cạnh đó, chính người lao động cũng cần có ý thức về vấn đề này.“Đôi khi, người lao động được cho học tập, được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng họ thấy vướng víu nên không tuân thủ. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cũng phải thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh. Trường hợp một số trung tâm được ủy quyền đào tạo, cấp chứng nhận về ATVSLĐ nhưng không đào tạo mà bán chứng chỉ sẽ bị xử lý mạnh tay, thậm chí nếu vi phạm nghiêm trọng, đề nghị cơ quan pháp luật khởi tố, truy tố những hành vi đó”.

Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động...

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động