Thứ sáu 28/06/2024 04:18
Giá vàng và câu chuyện bình ổn

Kỳ cuối: sửa quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước sự bất ổn của thị trường vàng, cũng như những bất cập tại các phiên đấu giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, Nghị định 24/NĐ-CP về vàng từ năm 2012 đã bộc lộ quá nhiều bất cập.
Kỳ cuối: sửa quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng?
Mặt hàng vàng trang sức tại 1 cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Khánh Huy

Thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế

Nhằm ổn định giá vàng, liên tục Chính phủ đã ra những chỉ đạo nhằm ổn định thị trường vàng. Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm; các ngân hàng thương mại đồng hành cùng với NHNN về vấn đề này.

Kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Các cơ quan, trong đó có Bộ Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm liên quan buôn lậu, găm hàng, đội giá, không tuân thủ pháp luật. Lặp lại “diễn biến” như cuối năm 2023, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp ổn định giá vàng, ghi nhận giá vàng trong nước có dấu hiệu đi xuống. Tuy nhiên, việc đi xuống so với giá thế giới cũng vẫn còn quá xa. Hơn nữa, với sự “bất ổn” ở thị trường mặt hàng đặt biệt này, vẫn cần có nhiều những giải pháp hơn thế.

Ghi nhận động thái tích cực của NHNN khi lần đầu tiên sau nhiều năm tiếp tục mở các phiên đấu thầu vàng miếng, tuy nhiên, việc giá vàng tiếp tục tăng cao sau mỗi phiên đấu giá khiến các chuyên gia bày tỏ các băn khoăn. Lý giải nghịch lý giá vàng tăng sau các phiên đấu giá, giới chuyên gia cho rằng, giá vàng mà NHNN đưa ra trong các buổi mời gọi thầu rất cao. Ví dụ, trong phiên đấu thầu vàng ngày 8/5, có DN còn trúng thầu với giá 86,05 triệu đồng/lượng. Điều này tác động đến tâm lý của người dân, bởi khi thấy giá vàng NHNN bán ra cao sẽ kéo theo hoài nghi, giá vàng mua bán ở ngoài thị trường chắc chắn cao hơn.

Sửa đổi Nghị định 24

Kỳ cuối: sửa quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng?

Người dân đến mua vàng trang sức tại của hàng PNJ. Ảnh: Khánh Huy

Để đưa ra những giải pháp căn cơ, thời gian qua từ những cuộc họp, hội thảo đến những phiên thảo luận ở Quốc hội, vấn đề giá vàng luôn là những vấn đề hút nhiều ý kiến và sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định" diễn ra sáng 17/5 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ở góc độ nào đó, việc đấu thầu vàng miếng là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn.

Theo TS. Hoàng Văn Cường, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá vàng trong nước đi xuống khi đơn vị đấu giá nào trả cao nhất sẽ trúng thầu. Như vậy, giá trúng thầu đã cao thì bán ra thị trường cũng sẽ cao. Vô hình trung đẩy giá trị trường lên. Để việc đấu thầu đạt mục tiêu, TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, NHNN cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu. Tiếp tục tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 23/5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, TS. Hoàng Văn Cường tiếp tục cho ý kiến. Theo ông, rất cần thiết phải xử lý phương thức điều hành để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới.

Để làm được điều này, về dài hạn, theo TS. Hoàng Văn Cường, phải sửa Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vì chính nghị định này đang sinh ra tác dụng ngược; đồng thời các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt.

Cũng đề cập đến câu chuyện giá vàng, đại biểu Phạm Đức Ấn, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, giá vàng rất quan trọng vì khi giá vàng biến động gây ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế thì Việt Nam có nguy cơ "vàng hóa" nền kinh tế. Do đó, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá. "Đây là vấn đề kỹ thuật sâu nhưng ở mức độ nhất định, cần trình Chính phủ những giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa thị trường trong nước và thế giới" - đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Cũng thảo luận về giá vàng, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, để thị trường vàng ổn định, không phải lên xuống bất thường như hiện nay, cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN. Cùng với đó, sửa đổi bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN.

Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, cho rằng Nghị định 24/NĐ-CP về vàng được ban hành từ năm 2012, sau 12 năm thực hiện đã có những bất cập, do vậy đã đến lúc cần đúc kết, để sửa đổi nghị định này.

“Chúng tôi thấy trong giai đoạn hiện nay cũng nên bỏ độc quyền vàng của Nhà nước và thúc đẩy phát triển vàng thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi thấy do thị trường vàng nguyên liệu, vàng miếng có chênh lệch với thị trường vàng thế giới khá cao nên gây khó khăn cho phát triển vàng thủ công mỹ nghệ” – đại biểu Nguyễn Đình Việt đề nghị.

Kỳ 1: khi câu chuyện xoay quanh chỉ là… vàng Kỳ 1: khi câu chuyện xoay quanh chỉ là… vàng

Từ đầu năm đến nay, hết câu chuyện “thổi giá” chung cư, đến chuyện giá vàng nhảy múa, tăng cao kỷ lục là những chủ ...

Kỳ 2: người dân khóc ròng vì giấc mơ “vàng” Kỳ 2: người dân khóc ròng vì giấc mơ “vàng”

Giá vàng biến động bất thường, tâm lý đua theo số đông của người dân về việc gom tiền mua vàng khiến có những lúc ...

Kỳ 3: “Nghịch lý”  đấu giá vàng Kỳ 3: “Nghịch lý” đấu giá vàng

Các chuyên gia cho rằng, tâm lý mua gom vàng của người dân trong thời gian qua, cũng như các câu chuyện vui - buồn ...

Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động