Kỳ 1: khi câu chuyện xoay quanh chỉ là… vàng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh đăng trên facebook của Đoàn Di Băng về việc cô đi bán 100 cây vàng. Ảnh chụp từ facebook nhân vật |
Có người thì ngẩn ngơ bởi tiếc món hồi môn bố mẹ cho nỡ bán thời vàng vẫn còn chưa tăng giá, có người thì nhẩm nha toan tính gom được chút tiền để mai đến… tiệm vàng. Câu chuyện của những người có… vàng
Câu chuyện của những người có… vàng
Giá vàng tại thị trường trong nước có những diễn biến bất thường, tăng chóng mặt, bỏ xa giá vàng thế giới từ 18 – 20 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, chiều ngày 10/5, giá vàng SJC đã vọt lên mức giá cao nhất lịch sử, đạt 92,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Và ở thời điểm giá vàng cao kỷ lục đó, câu chuyện một người mang 100 lượng vàng đi bán đã khiến người ta xôn xao, bàn tán sôi nổi.
Chuyện là trên facebook cá nhân của mình, nữ ca sĩ Đoàn Di Băng tiết lộ, cô đã một lúc đem 100 lượng vàng SJC đem bán. Cô cho biết, số vàng này được vợ chồng cô mua vào ngày vía Thần tài 3 năm trước với giá chỉ 57 triệu đồng/lượng.
Thời điểm bán ra, mức giá đã vượt xa mức ban đầu của cô khi mua vào. Theo tính toán sơ bộ, số tiền chênh lệch cô đã hưởng khi bán số vàng mua từ 3 năm trước đến khoảng 3,3 tỷ đồng.
3 năm, lãi 3,3 tỷ đồng! Quả thật đây là mức lãi suất trong mơ khiến nhiều người thêm kiên định câu chuyện mua nhà đất để dành hay mua vàng tích luỹ.
Không chỉ có nhiều như nữ ca sĩ đại gia Đoàn Di Băng kể trên, nhiều người dân bởi thói quen tích lũy cũng kiếm được món hời tại thời điểm giá vàng tăng phi mã như hiện nay. Thời điểm đầu tháng 4, chị Nguyễn Lan (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lúc giá vàng nhẫn lên đến hơn 76 triệu đồng mua vào, chị đã đem bán 3 cây vàng nhẫn.
"Tôi mua cách đây 2 tháng với giá 65 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng lên, đem bán tôi đã chốt lãi hơn 34 triệu đồng. Chỉ với gần 200 triệu đồng tiền vốn, tính ra mỗi tháng lãi 17 triệu đồng là quá lãi trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay…" - chị Lan nói.
Cũng dùng tiền tiết kiệm để mua 1,5 cây vàng nhẫn từ thời điểm ngày vía Thần tài, anh Nguyễn Thanh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau thông tin giá vàng nhẫn đạt mức kỷ lục, anh quyết định đi bán số vàng trên cộng thêm 2 cây vàng đã tích trữ từ trước đó để chốt lãi. "Thời điểm này, tôi nghĩ nên bán chốt lời. Tôi sẽ tiếp tục mua vàng nếu giá vàng xuống".
Một cửa hàng vàng trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: N.D |
Rút tiền tiết kiệm ra để mua vàng
Câu chuyện của những người “chốt lãi” từ việc tích vàng khiến nhiều người lao vào vòng xoáy… mua bán vàng.
Chị Hà Quyên (SN 1991, trú tại quận Hà Đông) cầm mấy lượng vàng cùng 5 nhẫn tròn đứng tần ngần ở 1 tiệm vàng ở phố Phan Đình Phùng ít phút, rồi dứt khoát lên xe bỏ đi. Vội câu chuyện vừa đi vừa nói, chị cho biết, chị và chồng hiện đang sống cùng mẹ chồng ở 1 căn hộ chung cư khá rộng rãi.
“Vốn tính năm nay sẽ mua nhà, nên tôi đã cố gắng tích cóp mấy năm nay. Một phần tiền tôi để trong sổ tiết kiệm, một phần tiền tôi dành mua vàng. Thế nhưng từ năm ngoái đến năm nay, giá nhà chung cư tăng đột biến, nên giấc mơ mua nhà lại… tạm hoãn. Nay thấy giá vàng lên cao, vượt xa với thời điểm tôi mua nên định bán vàng để tiếp tục giấc mơ có nhà” – chị Quyên cho biết.
Thế nhưng sau một hồi tính toán, đắn đo, chị nói, số tiền dù bán vàng đi cũng không đủ để mua nhà. Số vốn hai vợ chồng chị quá còn quá xa với 1 căn hộ chung cư tầm trung, vay mượn nhiều thì lo áp lực trả nợ. Vậy nên, chị quyết định không bán mà chờ giá vàng hạ để rút tiền… mua tiếp.
Cũng vỡ mộng sở hữu thêm một căn chung cư làm “của để dành” chị Trần Ngọc Lan (SN 1984, trú tại Thanh Xuân) cho biết, vốn trước chị có 1 căn chung cư nho nhỏ để cho thuê. Thấy được giá, chị bán căn hộ đấy để tính mua căn lớn hơn. Tuy nhiên, mặc dù căn hộ chung cư của chị bán được giá, nhưng đột ngột giá chung cư lại tăng vọt, nên cả tỷ bạc chị đành chấp nhận gửi ngân hàng.
“Vỡ giấc mơ nhà cửa, để tiền thì lãi suất thấp nên tôi rút tiền ra để mua vàng. Đằng nào cũng để đấy, không kinh doanh buôn bán gì thì để vàng… có giá trị hơn” – chị Lan cho biết.
Chị cũng chia sẻ bảo, bạn bè chị mấy hôm nay câu chuyện cũng không có gì ngoài… giá vàng. Họ cũng tính gom góp, nhặt nhạnh đi mua, hoặc tính chuyện tích tiền để mua từng chỉ một vì không đủ tiền mua cả lượng.
“Mà nói thế, việc mua vàng cũng không dễ. Chiều nay (19/5) tôi đi đến 3 cửa hàng vàng mới mua được 3 lượng. Đi đến mấy cửa hàng, đều thương hiệu lớn, cửa hàng to nhưng đều nhận được cái lắc đầu với câu trả lời: vàng miếng giờ khan hiếm” - chị Lan kể.
Có cuốn sổ tiết kiệm 50 triệu để ngân hàng, chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1979, trú tại quận Long Biên) cho biết, nhiều người bảo chị rút tiền ra mua vàng hơn là để tiền “chết” trong ngân hàng.
Hồi cưới, chị được bố mẹ cho 5 chỉ vàng, gìn giữ đến hơn 20 năm, cách đây 2 năm có cho chị dâu mượn để làm nhà. “Đầu năm vừa rồi chị ấy mới có điều kiện trả nhưng kêu lắm. Bảo vay vàng trả vàng mà còn quá… vay nặng lãi” - chị Tuyết nói.
Chính việc giá vàng tăng cao khiến chị đắn đo, giá đất, giá chung cư, giá vàng tăng cao… mỗi giá trị tiền là vẫn thế. Nếu trước 1 tháng lương của chị có thể mua được 1 chỉ vàng thì đến giờ, còn xa mới đến được con số ấy!
Anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1985, trú tại Long Biên), là lái xe của một hãng xe công nghệ cho biết, từ khi mọi thứ đều “bão giá” anh không còn tính toán nhiều nữa. Cứ cặm cụi, cắm cúi làm ăn thôi, giờ chỉ mong đủ tiền để lo cho gia đình chứ không mong hơn.
“Bọn em ngồi tính toán cả rồi, làm nghề như bọn em, 10 năm tích cóp may ra mới được 1 tỷ. Thế nhưng giờ 1 tỷ chẳng mua được cái gì. Nhà không, đất không… Chưa bao giờ thấy tiền tỷ lại nhỏ bé như thế” – anh Chiến nói.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại