Kỳ cuối: Một dự án mơ hồ...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChưa rõ thông tin dự án
Lộ trình thu hồi đất của 20 hộ giáo viên đang sinh sống tại Khu tập thể giáo viên chính thức được bắt đầu bằng Báo cáo số 267/UBND-ĐCXD, ngày 21-9-2020 của UBND xã Ninh Hiệp gửi tới UBND huyện Gia Lâm. Tại báo cáo này, lãnh đạo UBND xã Ninh Hiệp đã hiến kế thu hồi đất của 20 hộ dân Khu tập thể giáo viên để biến nó thành một DA công cộng.
Dựa vào đó, UBND huyện Gia Lâm tiến hành ban hành 1 hướng dẫn và 2 văn bản. Văn bản thứ nhất mang số 3521/UBND-TN&MT ngày 17-11-2020, UBND huyện giao UBND xã Ninh Hiệp có văn bản gửi tới các hộ dân phải di dời, bàn giao mặt bằng cho xã quản lý trước ngày 30-11-2020. Vị trí đất các hộ dân sẽ được thực hiện cho một DA nhưng là DA gì cũng không được nói rõ.
Văn bản thứ 2 mang số 254/UBND-TN&MT ngày 2-2-2021 cũng của UBND huyện Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo UBND xã thực hiện việc di dời các hộ dân và phải có văn bản gửi tới người dân. Cả hai văn bản này đều do ông Trương Văn học, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký.
Không được cấp sổ đỏ, không được xây mới nên hàng chục năm qua những ngôi nhà cấp bốn Khu tập thể giáo viên ngày càng xuống cấp đe doạ người sống trong đó. Ảnh: K.H. |
Sau các báo cáo và văn bản nói trên, ngày 15-3-2021, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp đã cho nhân viên đọc trên hệ thống loa truyền thanh của xã Thông báo số 76/TB-UBND với nội dung yêu cầu các hộ dân phải di dời đi chỗ khác trước ngày 25-3.
Điều đáng nói, báo cáo thu hồi đất của UBND xã Ninh Hiệp được lập vào ngày 21-9-2020 nhưng ngay từ đầu năm, vào ngày 2-1-2020, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Hướng dẫn thu hồi đất số 01/HD-UBND.
Từ 5 văn bản nói trên cho thấy một sự thực, có tới 4 văn bản liên quan đến người dân nhưng các giáo viên lại không được biết và không tới tay họ. Thông báo số 76/TB-UBND trước khi được ông Chủ tịch xã đọc trên loa cũng không tới tay người dân.
Chỉ đến khi họ tới trụ sở UBND xã yêu cầu mới được nhân viên ở đây cung cấp. Mặt khác, thông báo này cũng chỉ nhắc lại nội dung chỉ đạo tại 2 văn bản và 1 hướng dẫn của UBND huyện Gia Lâm.
Phân tích sự việc, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng cho rằng, người dân không có trách nhiệm phải thực hiện với một DA còn mơ hồ, chưa tuân theo các quy định của pháp luật cũng như các văn bản chưa tới tay họ.
Thông điệp nào gửi tới người dân?
Trong các văn bản của UBND huyện và UBND xã đang ẩn chứa hai thông điệp. Thứ nhất, người dân phải di dời không điều kiện đi nơi khác, chấp nhận không có chính sách đền bù hay hỗ trợ để chính quyền thực hiện một DA chưa rõ ràng. Còn không đồng thuận, họ sẽ bị UBND xã lập hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai theo NĐ 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ và Hướng dẫn số 01/HD-UBND huyện ngày 2-1-2020 của UBND huyện.
Vậy NĐ 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ có áp dụng được vào thực tế của các hộ giáo viên? Luật sư Hoàng Văn Hướng phân tích, đây là nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm 4 chương và 44 điều. Khi tiến hành các biện pháp xử phạt hành chính cũng đồng nghĩa với việc UBND huyện và xã đang muốn chứng minh các hộ dân này đang vi phạm về đất đai.
Theo luật sư Hướng, giả thiết các hộ dân có vi phạm thì cũng không thể xử phạt được, bởi Khoản 1, Điều 42 Chương IV: “Điều khoản thi hành” của nghị định nêu rõ đây là: “Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.
Mặt khác, trong các tài liệu liên quan từ phía UBND huyện thể hiện rõ Khu tập thể giáo viên được UBND xã và nhà trường xây dựng nhằm mục đích phục vụ chỗ ăn nghỉ cho giáo viên nên không thể coi đây là công trình vi phạm đất đai. Chính vì vậy, không thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính của nghị định vào trường hợp các hộ dân Khu tập thể giáo viên.
Trước năm 2015, các hộ giáo viên có làm đơn gửi tới UBND huyện đề nghị được xem xét, giải quyết việc thanh lý mua nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, UBND huyện Gia Lâm ban hành văn bản số 1463/UBND-TN&MT, ngày 16-10-2015 cho rằng các hộ dân chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết.
Việc áp dụng văn bản này để chứng minh các hộ dân vi phạm đất đai càng không hợp lý vì hoàn toàn không có dòng nào khẳng định các hộ giáo viên vi phạm về đất đai. Trong Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 5-1-2015 của UBND TP Hà Nội nói rõ, đất Khu tập thể giáo viên là đất ở hiện có chứ không phải đất công để quy về cho UBND xã Ninh Hiệp quản lý.
Tới đây, các hộ dân hoàn toàn có quyền đề nghị các đơn vị liên quan trả lời rõ, nơi họ ở có đủ điều kiện để được thanh lý nhà theo các quy định của pháp luật không.
Về trình tự tiến hành một DA. Trước hết, DA đó phải có thật, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đương nhiên DA đó phải được công khai theo Điều 69, Luật Đất đai về thủ tục thu hồi GPMB… Nếu là DA chợ phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới chợ của TP.
Vì vậy, việc UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp nhắc tới một DA nhưng không nói rõ đó là DA gì là chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với DA do doanh nghiệp thực hiện, đương nhiên không thể bỏ qua quy trình đàm phán, thỏa thuận với người dân.
Tháng 9-2020, trả lời báo chí, ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, DA tại Trường trung học cơ sở Ninh Hiệp đã dừng triển khai. Không hiểu DA dừng này có liên quan đến Khu tập thể giáo viên hay không?
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại