Thứ sáu 22/11/2024 06:32
Từ việc nhiều thí sinh điểm thi “khủng” vẫn trượt Đại học:

Kỳ cuối: Hướng đi nào cho các thí sinh?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các chuyên gia giáo dục đều đồng tình với quan điểm đề thi tốt nghiệp THPT nên có sự phân hóa rõ rệt, các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn ngành học cũng như phương thức tuyển sinh...

Niềm vui cho các thí sinh từ 27 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển ĐH vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, trong đó có 3 em có tổng điểm trên 28 điểm.

Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội bao gồm cả 61 em đạt 29,5 điểm nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó.

Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.

Để xem xét quyền lợi cho các em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với một số trường đại học lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi THPT cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

Cân nhắc phương thức tuyển sinh, nếu cần thiết hãy chọn hướng đi khác

Bên cạnh các thí sinh có điểm thi "khủng" trên, còn có nhiều thí sinh đạt tổng điểm cao như 24, 25, 26 điểm cũng trượt tất cả các nguyện vọng. Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh Phạm Doãn Nguyên cho rằng những thí sinh không may trượt đại trong trong đợt xét tuyển lần này không nên quá lo lắng vì hiện nay, nếu không trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể chọn thêm phương thức xét học bạ THPT hoặc xét theo điểm kỳ thi đánh giá năng lực.

Với các thí sinh chờ cơ hội xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 của các trường top trên sẽ rất khó khăn bởi có thể các trường top trên đã đủ chỉ tiêu và không xét tuyển bổ sung. Hoặc nếu có thì điểm trúng tuyển cũng rất cao, cao hơn đợt 1. Vì vậy, ngay bây giờ, thí sinh cần cân nhắc phương thức xét tuyển học bạ.

Kỳ 2: Hướng đi nào cho các thí sinh mùa tuyển sinh sau?
Thí sinh cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn ngành học phù hợp, không nên chọn trường theo xu thế đám đông

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng hằng năm có hàng trăm nghìn thí sinh bước vào giảng đường đại học nhưng khi ra trường không phải ai cũng xin được việc làm phù hợp với nguyện vọng.

Vì thế, thí sinh khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai cần dựa vào năng lực bản thân, tiềm lực của gia đình và nhu cầu của xã hội. Đặc biệt nên đánh giá lại khả năng của mình ở đâu để lựa chọn con đường của riêng mình chứ không chọn theo xu thế đám đông.

"Có nhiều cơ hội để các em lựa chọn cho tương lai, như có thể học cao đẳng vừa học nghề, vừa theo đuổi ước mơ của bản thân, hoặc có nhiều người làm lại và đã thành công”, TS Nguyễn Tùng Lâm khuyên các thí sinh.

Đề thi cần có sự phân hóa rõ rệt

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng trong bối cảnh việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội chưa thể mở rộng ngay để “phủ” cho toàn bộ các trường ĐH, CĐ trong cả nước, dự báo trong vài năm tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, dù tỉ trọng xét có thể sẽ thu hẹp lại qua từng năm.

Vì vậy, ở những kỳ thi tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tính toán để đề thi có sự phân hóa rõ rệt hơn, vừa đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh, vừa tạo cơ sở tốt cho các trường ĐH và CĐ xét tuyển và không phát sinh chi phí nhân lực – tài lực.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm ngoái đã cao, năm nay càng cao hơn như mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, từ đó khiến điểm chuẩn tăng cao.

Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.

Chủ động trang bị kiến thức vững chắc

Nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên cho thí sinh để tránh lặp lại điều đáng tiếc này ở mùa thi sau. Đầu tiên, các trường ĐH đang có xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh nhằm chủ động nguồn tuyển trước các biến động nên các thí sinh cũng phải đa dạng hóa các con đường để vào ĐH.

Sau khi đã tìm hiểu và lựa chọn được trường, ngành học mà mình quan tâm thì nên xem xét kỹ các phương thức tuyển sinh để tìm phương thức phù hợp nhất, mang lại lợi thế lớn nhất cho bản thân. Học sinh cũng nên suy nghĩ 2 đến 3 phương thức xét tuyển để chủ động trước mọi tình huống.

Năm nay có biến động điểm chuẩn lớn, thậm chí chạm trần, điểm đầu vào gần như tuyệt đối vẫn trượt do thiếu điểm ưu tiên. Hiện nay rất nhiều trường ĐH, kể cả trường top đầu đều tuyển thẳng hoặc cộng điểm quy đổi tương ứng với giải thưởng cho học sinh đạt giải thưởng học sinh giỏi từ cấp tỉnh/thành phố trở lên. Vì vậy, với những học sinh có năng khiếu đặc biệt là một số môn học, tốt nhất nên cố gắng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi ngay từ những năm đầu THPT. Với những học sinh học tốt môn Ngoại ngữ nên hoàn thành việc thi chứng chỉ quốc tế trong năm lớp 11 hoặc trước kỳ I của lớp 12.

Hiện nay, nhiều trường đều áp dụng các phương thức tuyển sinh khác nhau, trong đó có xét tuyển bằng học bạ nên ngay từ năm lớp 10, học sinh cần cố gắng học tốt, ưu tiên các môn học trong khối thi chính xét tuyển ĐH nhưng không được lơ là các môn học còn lại. Việc học thật, nắm chắc kiến thức sẽ giúp các thí sinh luôn ở thế chủ động, thích ứng với mọi yêu cầu của các kỳ thi, dù là tốt nghiệp THPT hay đánh giá năng lực đầu vào của các trường Đại học.

Kỳ 1: Nguyên nhân cốt lõi khiến các thí sinh có điểm thi "chót vót" vẫn trượt Đại học?
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động