Thứ bảy 23/11/2024 09:49
Khó quản lý học tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống trong giờ học chính khóa:

Kỳ cuối: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa toàn diện?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo lịch thời khóa biểu của học sinh khối tiểu học, đối với môn tiếng Anh, ngoài tiết tiếng Anh theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT, còn có tiết tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh liên kết. Một số phụ huynh băn khoăn: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa toàn diện để cụ thể hóa mục tiêu giáo dục “Phát triển toàn diện học sinh về đức - trí - thể - mỹ”?!
Một buổi hoạt động ngoại khóa cuối tuần của học sinh tại di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Mộc Miên
Một buổi hoạt động ngoại khóa cuối tuần của học sinh tại di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Mộc Miên

Thu phí vào giờ học chính khóa có sai quy định?

Đó là câu hỏi thắc mắc của không ít phụ huynh có con lứa tuổi tiểu học về thực trạng học tiếng Anh hiện nay.

Ghi nhận thực tế, lịch thời khóa biểu tại Trường tiểu học Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình, Hà Nội), mặc dù đã có môn tiếng Anh theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT nhưng nhà trường vẫn có tiết tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh liên kết, thậm chí còn chèn vào các giờ học chính khóa.

Cụ thể, thời khóa biểu học sinh lớp 4, Trường tiểu học Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), môn Tiếng Anh được xếp lịch học 7 tiết/tuần. Trong đó, tiếng Anh theo chương trình chung là 4 tiết/tuần, 1 tiết tiếng Anh STEM và tiếng Anh liên kết với Hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh là 2 tiết/tuần. Các tiết học tiếng Anh liên kết với Hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh được phân tiết vào chiều thứ 2 (khung giờ 13h45 - 14h25) và một tiết học chiều thứ 6 khung giờ (14h25 - 15h05) với học phí 150.000/tháng.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, tiếng Anh liên kết tại lớp 1 được xếp lịch ngày thứ 4 trong khung giờ 9h40-10h20, trước tiết học Toán (khung giờ 10h25 - 11h). Học phí tiếng Anh liên kết mỗi tháng là 150.000 đồng.

Phụ huynh N.T.D (trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngoài học tiếng Anh ở trường, chị D vẫn đăng ký cho con học ở trung tâm tiếng anh và bổ trợ tiếng Anh qua phần mềm tiếng Anh trực tuyến.

Bé N.G.H, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Cổ Nhuế chia sẻ, các tiết học tiếng Anh liên kết khá sôi động, các con được tham gia nhiều hoạt động tương tác. Mặc dù kiến thức tại các buổi học tiếng Anh trên lớp hạn chế so với học ở các trung tâm.

Chị D cho hay, trung bình, số lượng học sinh trung tâm chỉ dưới 25 em thì việc học tiếng Anh liên kết đại trà với sĩ số lớp học 60 như con chị hiện nay thực sự là quá tải. Hơn nữa, việc xếp lịch học tiếng Anh liên kết vào giờ học chính khóa chưa phù hợp.

“Thước đo” cuối cùng là chất lượng giảng dạy, vì sự tiến bộ của học sinh

Theo quy định của Bộ GD&ĐT về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nêu rõ, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút.

Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Đánh giá về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo quan điểm của người viết, đây là chương trình mở, chú trọng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Sau 4 năm triển khai, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã từng bước thay đổi toàn diện về chất lượng giáo dục nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập đó là về nhân sự, cơ sở vật chất chưa đáp ứng chương trình giáo dục đổi mới.

Do đó, các trường có liên kết với các đơn vị có đủ năng lực chuyên môn và có đánh giá chất lượng học tập. Thời gian qua, việc triển khai các hoạt động dạy liên kết vẫn còn bị “thả nổi”, khó kiểm soát chất lượng.

Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn nhiều hạn chế, đặc biệt về tiếng Anh liên kết tạo dư luận không tốt, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 5333/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở GD&ĐT về việc rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Thực hiện chủ trương chung, một số Sở GD&ĐT các tỉnh, thành đã có văn bản chấn chỉnh các hoạt động giáo dục liên kết, ngoại khóa.

Tại Hà Nội, ngày 5/10, trong Hội nghị triển khai đầu năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, ông Đào Tân Lý - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng kí tham gia.

“Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần khoa học, không được gây quá tải cho học sinh. Nhà trường có thể đưa ra nhiều nội dung, chương trình đa dạng, nhưng cần khuyến cáo không để học sinh chọn tất cả nội dung, chỉ chọn 1 - 2 chương trình, đảm bảo vừa sức, vừa thời lượng, không gây quá tải cho học sinh hay áp lực, khó khăn cho phụ huynh học sinh” - ông Đào Tân Lý nêu quan điểm.

Phía Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường thực hiện dạy kỹ năng sống trên nguyên tắc tự nguyện, tránh gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ sớm có văn bản chỉ đạo về nội dung giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Thời gian qua, một số quận, huyện Hà Nội như huyện Sóc Sơn, huyện Thanh Trì, huyện Thanh Oai đã ra văn bản đề nghị các trường học trên địa bàn tạm dừng dạy liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường để kiểm tra, rà soát lại công tác quản lý và báo cáo theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT.

Trước sự vào cuộc trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành tại Hà Nội và các địa phương, kỳ vọng hoạt động dạy liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hướng mục tiêu tạo môi trường giáo dục toàn diện về “trí - đức - thể - mỹ” cho học sinh theo đúng tinh thần chung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kỳ 2: Nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh Kỳ 2: Nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh
Kỳ 1: Đăng ký học trên tinh thần “tự nguyện trong ép buộc”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động