Thứ sáu 22/11/2024 10:10
Nguy hiểm rình rập cư dân “khu tập thể In nhãn” TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc:

Kỳ 6: Kế hoạch phá dỡ, di dời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Phúc Yên đã có kế hoạch phá dỡ di dời 2 dãy nhà chung cư cũ “Tập thể In nhãn” tại phường Trưng Trắc, nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân.

“Hiện trạng” tập thể In nhãn

Sáng 1-10, trao đổi với PV Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế và Đô thị, xung quanh vấn đề “nguy hiểm rình rập cư dân tập thể In nhãn”, lãnh đạo UBND TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thành phố đã báo cáo tiến độ giải quyết vướng mắc liên quan đến 2 tòa nhà chung cư cũ “Tập thể In nhãn” tại phường Trưng Trắc.

Theo đó, hiện trạng tập thể In nhãn tại TP Phúc Yên gồm 2 tòa nhà chung cư cũ (một dãy 4 tầng và dãy kia 2 tầng) trên diện tích 6.745,2m2, đã được bàn giao đất về địa phương quản lý (theo Quyết định 2338/QĐ-UBND ngày 4-8-2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc). Tập thể In nhãn được xây dựng từ năm 1972, hoàn thành khai thác sử dụng từ năm 1976, đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng: Mái, trần nhà nứt vỡ, tường bong tróc ngấm nước, hệ thống điện cũ nát dễ chập cháy,… công trình không đảm bảo an toàn có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

“Các căn hộ tập thể tại hai tòa nhà chung cư tập thể In nhãn, được cán bộ công nhân viên Cty Cổ phần In Phúc Yên mua lại khi Cty thực hiện cổ phần hóa, đã bán thanh lý vào năm 2005. Thời điểm năm 2005 tổng số hộ dân mua căn hộ thanh lý là 96 hộ, trong đó chung cư 4 tầng gồm 72 hộ và chung cư 2 tầng 24 hộ” – ông Hoàng Trọng Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP Phúc Yên cho biết.

Kỳ 6: Kế hoạch phá dỡ, di dời
Kết cấu mái trần tập thể In nhãn đã nứt vỡ nghiêm trọng...

Các hộ dân đang sinh sống tại 2 tòa chung cư tập thể In nhãn đã được UBND phường Trưng Trắc xác nhận tại Báo cáo số 56/BC-UBND ngày 17-9-2019 tổng số 96 hộ. Nhưng theo kết quả kiểm tra rà soát, Công an TP Phúc Yên xác nhận, tổng số hộ dân tại tập thể In nhãn là 97 hộ (tăng 1 hộ do tách khẩu). Trong đó, 71 hộ thường trú tại phường Trưng Trắc; 7 hộ tạm trú; và 19 hộ không còn ở Tập thể In nhãn.

Quan điểm của UBND TP Phúc Yên

Về kế hoạch “giải cứu” cư dân tập thể In nhãn, lãnh đạo UBND TP Phúc Yên cũng cho biết, hiện tại TP vẫn đang tuyên truyền vận động để người dân di chuyển đi nơi khác, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời xem xét ban hành Quyết định phá dỡ công trình hoặc Quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện phá dỡ.

“Quan điểm của UBND TP Phúc Yên là kiên quyết yêu cầu các hộ dân còn đang sinh sống tại tập thể In nhãn di dời khỏi 2 tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng này. Thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, xem xét việc tái định cư hoặc giao đất ở mới cho các hộ (nếu đủ điều kiện). Phá dỡ toàn bộ 2 tòa nhà chung cư tập thể In nhãn để tổ chức lựa chọn Chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại trên khu đất.” – ông Hoàng Trọng Lợi cho biết.

Kỳ 6: Kế hoạch phá dỡ, di dời
Vẻ ngoài xập xệ xuống cấp của Tập thể In nhãn

Theo kế hoạch dự kiến, nếu được triển khai thực hiện, việc phá dỡ Tập thể In nhãn xây dựng lại nhà chung cư sẽ theo lộ trình thời gian từ tháng 9-2021 đến 2025. Cụ thể, hiện tại TP Phúc Yên đã lập phê duyệt Dự toán Phương án, giải pháp phá dỡ. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn, hoàn thiện hồ sơ giải pháp phá dỡ đã được cơ quan chức năng trình UBND TP.

Kỳ 6: Kế hoạch phá dỡ, di dời
Trần căn hộ và rầm chịu lực long lở, trơ lõi sắt han ghỉ...

Trước mắt, để đảm bảo an toàn về người và tài sản của các hộ hiện còn ở tại 2 tòa nhà chung cư Tập thể In nhãn trong thời điểm mùa mưa bão đang diễn ra, UBND TP Phúc Yên đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét đồng ý hỗ trợ phần kinh phí 1,65 tỷ đồng để tiến hành hỗ trợ chỗ ở cho cư dân khi thực hiện phương án di chuyển.

Theo lãnh đạo UBND TP Phúc Yên, đối chiếu quy định của pháp luật thì các hộ dân Tập thể In nhãn không thuộc diện bố trí tái định cư. Hiện các đơn vị chức năng của TP Phúc Yên đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án có lợi nhất cho người dân. Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc đôn đốc các đơn vị có dự án xây dựng nhà ở xã hội thì đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để xem xét hỗ trợ cư dân Tập thể In nhãn tiếp cận ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Kì 5: Cần “tiếng nói chung” giữa chính quyền và cư dân để giải quyết dứt điểm Kì 5: Cần “tiếng nói chung” giữa chính quyền và cư dân để giải quyết dứt điểm
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động